Đề bài: Em hãy kể lại một câu chuyện xảy ra trong lớp hoặc trong đời sống khiến em băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay.
-
Bài số 1: Câu chuyện xảy ra trong lớp khiến em băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay.
Cuộc sống hàng ngày chúng ta cứ nghĩ là đơn giản, sống theo quy luật…nhưng thực tế không phải như thế. Cuộc sống rất phức tạp và nhiều khi giá trị đạo đức của con người đối xử với con người cũng trở thành một vấn đề nóng hổi để chúng ta bàn luận. Một câu chuyện rất đời thường đối với bọn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường như chúng tôi, nó khiến tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay.
Câu chuyện xảy ra với một người bạn lớp tôi vào khoảng hơn một tháng trước đây. mỗi khi nhắc đến, các bạn trong lớp tôi vẫn không khỏi bàng hoàng.
Bình lớp tôi là người trầm lặng, luôn tự khép mình vào vỏ bọc của một nỗi buồn khôn nguôi và dai dẳng. Gương mặt của bạn lúc nào cũng có vẻ u sầu khó tả. Hồi mới vào lớp 10, nhiều bạn trong lớp nghĩ Bình bị mắc một căn bệnh khó chữa nào đó. Tôi học cùng Bình từ lớp một, lại gần nhà nên biết rất rõ chuyện của Bình. Bạn có một gia đình không hạnh phúc. Nhà Bình rất giàu có, bố bạn làm giám đốc một công ty lớn, còn mẹ bạn làm kế toán cho một công ty nước ngoài. Nhưng họ thường xuyên phải đi công tác và luôn luôn vắng nhà, họ lao đi kiếm tiền suốt ngày. Bình phải lủi thủi một mình một bóng. Song nếu chỉ có vậy thì không nên nỗi vì Bình rất ngoan và có tính tự lập rất tốt. Không vì thiếu vắng sự quan tâm của bố mẹ mà bạn sa ngã hay chểnh mảng học hành.
Chuyện xảy ra vào một ngày cuối năm. Hồi ấy Bình học lớp tám. Hôm ấy, cũng như mọi ngày Bình đi học về là về thẳng nhà, không tạt ngang tạt dọc như bao bạn bè khác. Căn nhà hôm nay khác với vẻ yên lặng thường ngày, từ ngoài cổng, Bình đã nghe trong nhà có tiếng đập, ném đồ đạc loảng xoảng. Hoảng hốt, bạn chạy vào nhà thấy bố đang xô vỡ các cốc chén, chai lọ trên trên tủ, trên tường nhà và chửi mắng mẹ một cách thậm tệ. Người mẹ vẫn ngồi đó như không có chuyện gì xảy ra và bình thản trên giường cùng một người đàn ông khác đang mỉm cười thách thức người chồng tội nghiệp. Cảnh tượng ấy hằn sâu vào tâm hồn Bình một vết cứa tê buốt. Từ ấy, bạn sống như một cái bóng. Bạn khép mình với tất cả và hầu như không tin tưởng ai hết.
Câu chuyện về gia đình của Bình cũng chỉ tôi và vài ba người bạn học cùng Bình từ cấp hai biết. Nhưng ai ai trong chúng tôi cũng hiểu nỗi đau ấy lớn như thế nào với Bình. Chẳng ai trong số chúng tôi nhắc đến chuyện ấy với các bạn trong lớp. Nếu có, chúng tôi chỉ nói vừa đủ để mọi người thông cảm và giúp đỡ Bình nhiều hơn.
Bình tuy sống khép mình cô độc với các bạn cùng lớp nhưng lại có vẻ chơi rất thân với Hùng lớp 10D bên cạnh. Có thể Hùng, Bình tìm được sự cảm thông và chia sẻ từ Hùng. Như chúng tôi thấy hàng ngày biết Hùng rất tốt với Bình.Chúng tôi thường thấy hai bạn đèo nhau đến trường, Hùng đạp xe, Bình ngồi phía sau, họ trò chuyện với nhau suốt chặng đường gần chục cây số từ nhà đến trường và ngược lại. Đáp lại tấm chân tình của Hùng, Bình cũng rất tốt với Hùng, Bình thường mời Hùng ăn sáng. Nhà Hùng thuộc diện khó khăn một chút nên bạn ấy không có xe đạp riêng để đi học. Biết điều đó, Bình thường rủ Hùng đi học cùng xe với mình. Đôi lúc, chúng tôi thấy Bình mua cả sách vở với cả đồ dùng học tập cho Hùng nữa. Hai bạn chơi với nhau rất thân, đi đâu cũng gặp cả hai, khăng khít, thật gắn bó! Một số người bảo Hùng chơi với Bình chỉ để lợi dụng. Họ vịn vào chuyện nhà Bình giàu có, bề thế, còn nhà Hùng thì nghèo…Nhưng hai bạn vẫn bá vai, bá cổ nhau như hai anh em mặc những lời nói từ ai đó. Hơn nữa, thấy Bình có được một người bạn có thể sẻ chia, thân thiết như Hùng chúng tôi cũng thấy mừng, ít nhất bạn ấy cũng có nguồn động viên tinh thần từ một người bạn. Và lâu rồi cũng thói thành quen, và cũng từ đó chúng tôi cũng thêm cảm tình với Hùng. Hùng thật là một người tốt. Ai cũng bảo bạn ấy thật là tốt bụng và rất tâm lí mới khiến Bình gỡ bỏ cái vỏ bọc u sầu và cô độc kia được…
Nếu cuộc sống đối với Bình cứ trôi đi bình yên như thế thì chắc có lẽ tôi không phải băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay. Cho đến một ngày…
Hôm ấy, vào giờ học thể dục, đến lượt tôi và Bình cùng đi nhận dụng cụ tập thể dục cho cả lớp. Vừa đặt chân trước cửa phòng đồ dùng tôi đã nghe tiếng Hùng nói oang oang:
– Cái thằng ấy hả! Bạn bè gì chứ! Chẳng qua là có qua có lại thôi, nó cho tao mượn xe tao đèo nó đi học; nó kêu ca, than vãn chuyện gia đình nhà nó, tao phải nghe thì đổi lại nó mời tao ăn sáng và một ít sách vở vớ vẩn thôi!
Tôi nghe những lời đó mà điếng người. Chẳng phải Hùng đang nói về Bình hay sao? Tôi quay sang nhìn Bình. Gương mặt đang vui vẻ của bạn ấy bỗng nhiên cứng đờ ra thoáng một vẻ kinh ngạc.
Vẫn với cái giọng oang oang ấy:
– Ờ, lại còn chuyện bố mẹ nó nữa chứ. Mày đừng có tưởng cứ cho con tiền tiêu xả láng đã là thương con nhé. Bố mẹ nó chẳng có gì khác cho nó ngoài tiền chúng mày ạ!
Nghe đến đây, tôi thấy gương mặt Bình đỏ gay lên đầy vẻ giận giữ, hai bàn tay nắm chặt đầy chịu đựng. Những lời nói khủng khiếp kia vẫn chưa chịu dừng lại:
– Chúng mày biết không, bố nó bị cắm sừng vì mẹ nó…
Bình lao vụt đi, khóc nức nở. Tôi cũng chạy theo Bình lên phòng học. Chao ôi! Tôi sợ phải nhìn người khác khóc biết mấy. Không những vậy đấy lại là một bạn con trai nữa chứ. Tôi chẳng giúp được gì, chỉ biết đứng nhìn bạn khóc trong bất lực…Một lúc sau, Bình nghẹn ngào nói với tôi:
– Tớ không ngờ… Hùng lại suy nghĩ và nói lên những điều như vậy. Vậy mà bao lâu nay tớ tin tưởng Hùng, tớ cứ nghĩ bạn ấy thật lòng chơi với tớ, hóa ra chỉ để lợi dụng tớ mà thôi. Nhưng cứ cho là vậy, bạn ấy còn gọi tớ là thằng này thằng nọ, có thể giễu cợt tớ vì bị lợi dụng mà không biết. Nhưng bạn ấy…bạn ấy đừng nhắc đến bố mẹ tớ, đừng kể chuyện như vậy. Bạn ấy biết rõ như thế mà!
Nước mắt tôi đã trực chào ra không thể nào dừng được. Đã bao nhiêu ngày tháng Bình vẫn ấp ủ một nỗi đau, một sự mất mát không thể nào bù đắp được trong lòng. Vậy mà hôm nay, bạn lại phải chứng kiến một sự phản bội của tình bạn đến sững sờ. Đến đây, thực sự tôi cảm thấy băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay của các bạn học sinh.
Tôi cứ ngỡ việc Hùng đưa đón Bình đến đây là chấm dứt. Nhưng không ngờ, ngày hôm sau, Hùng tươi cười đạp xe đến đèo Bình đi học. Bình ngồi phía sau Hùng, gương mặt vẫn trầm lặng đầy xót xa, duy có đôi mắt như khổ đau thêm rất nhiều.
Hai ngày sau, cả lớp tôi chết lặng nghe tin Bình đang được cấp cứu trong bệnh viện. Bạn ấy đã uống nguyên một hộp thuốc ngủ của mẹ. Gia đình bạn ấy đã phát hiện quá muộn, Bình uống thuốc từ đêm, khi cả bốvà mẹ Bình về nhà thì cả hai đều đã say mềm không nhận ra sự việc bất thường. Đến sáng thì mọi việc đã quá muộn. Trên bàn học của Bình còn lại một dòng chữ lạnh ngắt: “Tôi chẳng còn tin ai được nữa!”.
Càng xót xa về sự ra đi của Bình bao nhiêu, tôi càng day dứt về sự rạn nứt tình cảm trong gia đình, trong thời đại xã hội mở cửa như hiện nay và càng cảm thấy băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay. Dường như sự đồng cảm, sẻ chia giữa con người với nhau cũng bớt dần. Nhiều mối quan hệ nhìn bên ngoài tưởng như tốt đẹp song bản chất chỉ là sự lợi dụng, cơ hội, toan tính. Trong cái chết của Bình, nhiều khi tôi cũng thấy bản thân mình có lỗi. Đó là sự thiếu chia sẻ từ phía một người bạn. Và giờ đây tôi đang sống và cố gắng sống tốt hơn để chuộc lại phần lỗi của mình.
-
Bài số 2: Câu chuyện xảy ra trong đời sống khiến em băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay.
Đạo lý làm con, tôn sư trọng đạo là những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta vẫn dăn dạy con cháu từ xưa qua những tác phẩm văn chương, qua những câu ca dao, tục ngữ. Ngày nay, những truyền thống ấy, những lời dăn dạy ấy vẫn tồn tại, con người luôn phải sống có tâm, có đức. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, náo nhiệt của thời mở cửa có những chuẩn mực xã hội đã và đang dần bị phá vỡ bởi lối sống ích kỷ, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận giới trẻ. Qua nhiều câu chuyện do báo, đài đưa tin, tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay…
Trong một chuyến làm thiện nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh, tôi đã có dịp trò chuyện với một cụ bà. Cuộc trò chuyện không được diễn ra liên tục mà bị đứt quãng, bởi những tiếng khóc nấc lên nghẹn ngào của bà lão. Chồng bà chết sớm, một mình bà góa bụa gồng gánh nuôi hai con ăn học thành người. Lo cho các con từng miếng ăn, manh áo, nuôi cho chúng học hành, đỗ đạt, rồi lo cho các con việc làm ổn định. Đổi lại những hy sinh vất vả cả đời vì con, khi đến tuổi xế chiều, bà mẹ già tội nghiệp ấy phải sống nương tựa vào những tấm lòng nhân ái của xã hội. Hai người con của bà sau khi đã công thành danh toại thì lại quay lưng với mẹ, xem mẹ mình như một gánh nặng của mình. Chúng đẩy đưa nhau, khi thì mẹ ở với người con này, khi thì ở với người con kia. Chúng phân chia nhau lịch phải nuôi mẹ.Các con của bà cho rằng họ “không muốn sống chung với một bà già lẩm cẩm”. Những con người có học thức, có địa vị xã hội mà lại không nhận thức được đạo hiếu, đạo làm con, quả là đáng trách! Liệu sau này khi có gia đình, họ sẽ dạy dỗ con cái họ ra sao khi chính bản thân mình không làm tròn trách nhiệm với đấng sinh thành? Những bi kịch như thế không phải hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Trên các phương tiện thông tin hàng ngày đầy rẫy những vụ án thương tâm: con giết cha mẹ, con ngược đãi cha mẹ… Thực trạng này đặt ra cho xã hội nỗi băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay, phải chăng chữ hiếu nói riêng, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung đang dần bị mai một?!
Tôi có một cô bạn thân, hiện cô ấy đang làm giảng viên tại một trường chuyên nghiệp của thành phố, cô kể lại câu chuyện: Khi cô đang trên lớp giảng bài, khi đi xuống phía dưới giảng đường thì một sinh viên gọi giật lại bảo “cô ơi, em cho cô xem cái này nhé”, rồi cậu chìa tay ra cho cô xem. Chỉ mới nhìn thoáng qua cô đã thấy “đỏ mặt tía tai” trước hành động khiếm nhã của cậu sinh viên ấy. Cậu ấy vẽ lên tay mình một hình ảnh mang ý nghĩa hết sức tục tĩu và cho cô xem. Nghe qua câu chuyện, nhiều người không khỏi suy nghĩ lên án phẩm cách của cậu sinh viên này. Riêng cô bạn của tôi thì cô cho biết, cô rất lo lắng và băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay, không biết cậu sinh viên ấy sau bấy nhiêu năm ngồi trên ghế giảng đường liệu năm cuối này cậu có trau dồi được chữ “đức” để bước vào đời và trở thành người có ích cho xã hội?
Những biểu hiện đang dần “xuống cấp” đạo đức của một bộ phận giới trẻ ngày nay còn thể hiện qua cách ứng xử của họ trước các vấn đề nóng hổi của xã hội. Một cậu thanh niên sau khi gây tai nạn cho người khác, chẳng một câu xin lỗi, hỏi han người bị nạn mà thản nhiên rồ ga tẩu thoát để mặc cụ già đáng tuổi ông bà mình nằm quằn quại đau đớn giữa đường. Đó là thái độ thờ ơ, vô cảm của những người trẻ trước khó khăn, hoạn nạn của người khác. Đó là ngoài đời thực, còn trên thế giới ảo mà các bạn trẻ ngày nay mê mẩn thì sao? Facebook? trên facebook đăng tải clip về một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Có đến hàng trăm ngàn lượt bạn trẻ tham gia “like” và kèm theo lời bình luận thiếu tế nhị đến không tiếc lời. Trong những vụ bạo lực học đường xảy ra, thay vì can ngăn các bạn thì nhiều bạn trẻ lại trở thành những… cổ động viên nhiệt tình nhất!
Mọi người đã không còn xa lạ gì với những hình ảnh của các cậu học sinh, sinh viên ngồi tại các quán cà phê phì phèo khói thuốc, liên tục vung ra những câu chửi tục, mất lịch sự. Hay tình trạng uống rượu bia, tham gia các trò cá cược, đỏ đen cũng đang trở nên phổ biến trong giới học đường.
Trong một lần trò chuyện với các em học sinh, Bác Hồ kính yêu đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Và từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, câu nói này của Bác như một điều tâm niệm luôn theo tôi mãi, tôi cứ sợ mình là “người vô dụng” nếu không rèn luyện đạo đức để trở thành người tốt. Mỗi người muốn trở thành công dân có ích cho xã hội thì bên cạnh việc có tài, cần phải rèn luyện để có chữ “đức”. Bởi vậy, sự xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay mang đến cho gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội một sự băn khoăn, trăn trở về đạo đức và lối sống hiện nay, là một trọng trách nặng nề trong việc tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi thực trạng này, cũng như có phương cách giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên sao cho thật hiệu quả.