Em hãy kể về một chuyến đi thăm di tích lịch sử của em

0
401
Загрузка...

Đề bài: Em hãy viết bài văn kể về một chuyến đi thăm di tích lịch sử của em.

  • Bài 1: Kể về một chuyến đi thăm di tích lịch sử của em

Загрузка...

Vào một sáng cuối xuân, đầu hạ, khi bầu trời còn ướt đẫm sương đêm, đoàn xe của trường em đã lăn bánh bắt đầu một chuyến đi thăm di tích lịch sử mà chúng em đã được học trong chương trình môn Lịch sử . Những chiếc xe đầy ắp tiếng cười lướt nhẹ qua cây cầu bắc ngang sông Đáy hiền hòa, rồi tiếp tục bon bon trên đường quốc lộ 1. Xa xa, sau làn sương mờ mờ, ảo ảo, dãy Non Nước hiện lên đẹp như một bức tranh phong cảnh non nước hữu tình. Ai ai trong chúng em cũng đều cảm thấy hồi hộp vì tuy nghe tiếng đã lâu nhưng chưa bạn nào từng được đặt chân tới mảnh đất quê hương cờ lau dẹp loạn này bao giờ. Giờ đây, tiếng cười nói trong xe tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những ánh mắt tò mò, háo hức, chờ đợi.

A!Hoa Lư đây rồi! Kinh đồ đầu tiên của nước Đại Việt chính là đây. Toàn bộ khu di tích lịch sử nằm trong một vùng đất trũng lòng chảo, xung quanh bao bọc bởi những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp. Thiên nhiên đã khéo sắp đặt cho nơi này một cảnh quan núi non hùng vĩ, vừa có sông nước xen kẽ núi non. Phong cảnh thật là hữu tình biết mấy!

Trong chuyến đi thăm di tích lịch sử đến Hoa Lư hôm nay, em không thấy những lâu đài nguy nga, những thành cao hào sâu bao quanh như những gì em tưởng tượng về một cố đô… nhưng mỗi tấc đất, ngọn núi nơi đây đều ghi đậm dấu ấn vẻ vang của một thời kì lịch sử oai hùng. Phía xa xa kia là núi Cột Cờ cao hơn 200 mét như một chân đế khổng lổ để vua Đinh dựng cờ khởi nghĩa. Và đây là ngôi Sao Khê chảy qua hang Luồn, xưa kia là nơi thuỷ quân ta luyện tập. Chúng em còn được đi thăm hang Muối, hang Tiền với những viên nhũ đá lấp lánh. Nghe nói đây là kho dự trữ, nguồn cung cấp quân lương cho Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa.

Chuyến đi thăm di tích lịch sử đến đoạn giữa khu đi tích Hoa Lư có đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ngôi đền thờ nằm sừng sững, mái cong vút, lợp ngói hình vảy cá, rêu xanh cổ kính đã phủ dày dấu vết của thời gian. Cột trụ trong đền làm bằng thân cây gỗ to, một vòng tay ôm không hết. Phía ngoài sân rồng còn lưu lại vết tích bệ đặt ngai ngự của vua. Đó là một phiến đá to, có bề mặt bằng phẳng. Các nghệ nhân tài hoa thuở trước đã khéo léo chạm trổ lên mặt đá hình rồng bay rất đẹp. Xung quanh được trang trí bằng hình con nghê, hình chim phượng cao quý và dũng mãnh tượng trưng cho quyền uy của đức vua. Chúng em ngắm chiếc sập bằng đá mà lòng thầm khâm phục những bàn tay tài hoa, khéo léo của ông cha thuở trước.

Phía sâu trong chính cung là tượng vua Đinh Tiên Hoàng đang ngự trên ngai. Đức vua mặc một chiếc áo thêu hình rồng, đội mũ bình thiên, với hai bàn tay xòe rộng đặt trên gối, với vẻ cương nghị được thấy rõ ở đôi môi mím chặt, đôi mắt mở to nhìn thẳng của ngài. Thắp một nén hương tưởng niệm, chúng em kính cẩn dâng lên vị vua đã có công xây dựng cố đô Hoa Lư thành kinh đô của nước Đại Việt.

 

Tạm biệt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, chúng em đến thăm đền thờ vua Lê, ở phía bên trái khu di tích. Vua Lê vận long bào, đội mũ miện vàng, đeo kiếm ngang lưng trông rất oai phong. Trong khu vực đền thờ còn có bức tượng một người phụ nữ phúc hậu đoan trang. Đó là tượng thái hậu Dương Văn Nga, bậc liệt nữ có một không hai trong lịch sử nước nhà. Bà đã ghé vai gánh vác sự nghiệp cả hai triều Đinh – Lê. Những vị được tôn thờ ở đây đều là những con người kiệt xuất trong triều đại Đinh – Lê, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Không có nhiều thời gian cho chúng em tự đặt những bàn chân của mình để tự leo núi, chúng em đang trong thung lũng, ngẩng đầu nhìn về bốn phía để cảm nhận rõ thêm vị thế núi non hiểm trở của cố đô.Có bạn đã giở sổ tay, phác nhanh vài nét kí họa về quang cảnh nơi đây. Nhiều tiếng bàn bạc sôi nổi quanh đây về phong trào cờ lau lẹp loạn thuở nào.

Khi trời đã về chiều. Chúng em lưu luyến ra về và nuối tiếc vì chưa có thời gian để bẻ được mấy lông lau làm cờ cắm lên xe mình cho thêm khí thế. Tạm biệt Hoa Lư, chúng em hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước. Chuyến đi thăm di tích lịch sử này đã trở hành đề tài cho những cuộc trò chuyện sôi nổi ở lớp em suốt những ngày sau đó và cũng trở thành một kỉ niệm đẹp trong em khi một lần được đặt chân lên mảnh đất cố đô cổ kính.

  • Bài 2: Kể về một chuyến đi thăm di tích lịch sử của em

Kết thúc một năm học với nhiều thành tích nổi bật nhất trường, tập thể lớp 6A chúng em được cô giáo chủ nhiệm và hội phụ huynh tổ chức một chuyến đi thăm di tích lịch sử. Đây vừa là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng trong học tập suốt năm học vừa qua. Vừa là dịp để chúng em thêm hiểu biết về những truyền thống lịch sử quý giá của dân tộc Việt Nam. Vừa mang ý nghĩa là một chuyến đi chơi nhưng đồng thời cũng là một chuyến đi thực tế thiết thực cho việc học của chúng em. Đó là chuyến đi thăm di tích lịch sử thành Cổ Loa.

Sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến, cô giáo chủ nhiệm và hội phụ huynh đã thống nhất về thời gian và địa điểm. Đó là nơi thờ vua An Dương Vương và công chúa Mị Châu. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, chứa đựng nhiều câu chuyện về lịch sử, về bài học dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Chúng em đã biết về di tích thành Cổ Loa thông qua việc học và nghiên cứu truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng em được đặt chân đến địa danh lịch sử, địa danh của những câu chuyện lịch sử kì bí và hấp dẫn này.

Để bắt đầu chuyến đi tham di tích lịch sử này, chúng em phải tập trung ở trường, sau đó sẽ được cô giáo chủ nhiệm và đại diện hội phụ huynh cùng đưa đi thực hiện chuyến đi lí thú này. Vì di tích thành Cổ Loa ở khá xa trường học, nên chúng em tập trung ở trường từ khá sớm, sáu giờ sáng bố mẹ đưa chúng em đến trường, sau đó cô giáo điểm danh từng bạn và ba mươi phút thì xe bắt đầu lăn bánh. Đây là lần đầu tiên cả lớp chúng em có một chuyến đi du lịch cùng nhau, lại là chuyến đi thăm di tích lịch sử nổi tiếng như vậy nên ai ai trong chúng em cũng đều vô cùng háo hức, chờ mong.

Sau một tiếng chạy xe ô tô, cuối cùng chúng em đã đặt chân đến di tích thành Cổ Loa. Đến đây, chúng em được cô hướng dẫn viên du lịch xinh đẹp trong tà áo dài nồng nhiệt tiếp đón và hướng dẫn suốt hành trình cũng như giới thiệu, thuyết minh về khu di tích thành Cổ Loa để chúng em hiểu thêm. Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành thủ đô Hà Nội. Đây chính là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước và giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của nàng công chúa Mị Châu và  chàng Phò mã người Trung Quốc – Trọng Thủy.

Không gian của khu di tích thành Cổ Loa mang đầy vẻ cổ kính, trang nghiêm, với màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ. Thấp thoáng đâu đó những mái nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã trải  qua bao biến động của lịch sử, của chiến tranh. Đó là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử của nước nhà. Ở trung tâm của khu di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ vua An Dương Vương.  Đây là điện thờ chính nên được xây dựng rất rộng lớn và đầy vẻ trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng,  hai bên sân có hai hàng cây cổ thụ, tưởng trừng như những cây cổ thụ ấy là những người hiền thần luôn ở bên, trung nghĩa bảo vệ vua An Dương Vương vậy.

Ngôi đền có mái cong hình đầu rồng mang nhiều nét nghệ thuật cổ kính, trong điện được trưng bày những câu đối lớn, có chữ Hán mà chúng em không hiểu và phải có sự diễn giải của cô hướng dẫn viên thì chúng em mới có thể hiểu được ý nghĩa của chúng, chính giữa của điện thờ là một bức tượng vua An Dương Vương uy nghi trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống. Cảm xúc chung của chúng em khi vào điện thờ An Dương Vương chính chính là sự tôn kính, tự hào. Hai bên điện thờ là tượng của những vị quan thần có công với dân với nước, những người hiền tài có công giúp vua An Dương Vương dựng nước và giữ nước.

Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu gặp một kết thúc thật bi thảm. Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ làm cho em nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa vàng kết tội mà em đã được học trong truyền thuyết. Nhìn hình ảnh bức tượng không đầu khiến cho chúng em vô cùng xót xa cho nàng công chúa này. Nàng là một người con gái ngây thơ, cả tin vì quá tin tưởng, yêu thương người chồng mà vô tình làm lộ bí mật quốc gia, dẫn đến mất nước. Mị Nương là một người con gái đáng thương hơn đáng trách vào thời bấy giờ. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng bày tỏ sự cảm thông bằng những dòng thơ của mình đối với Mị Châu như sau:

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”

Đằng sau truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu- Trọng Thủy là bài học về việc giữ nước, nhưng mỗi chúng ta đều cảm thông cho sự dại khờ, thủy chung của nàng công chúa Mị Châu cùng cái chết đầy oan nghiệt của nàng.

Chuyến đi thăm di tích lịch sử thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú. Chúng em biết nhiều hơn ý nghĩa của những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn ra câu chuyện lịch sử ấy. Thông qua chuyến đi chúng em cũng hiểu biết thêm về những bài học trên lớp, là cơ hội để chúng em mở mang tầm mắt.

 

Loading...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here