Bài văn mẫu Phân tích hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam

0
848
Загрузка...
Загрузка...

Hình tượng người phụ nữ là một trong những đề tài lớn có sức hấp dẫn củacác nền văn học trên thế giới và trong nước. Đối với văn học việt Nam, hình tượng người phụ nữ chứa đựng nhiều vẻ đẹp không chỉ về hình thức mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn.

Đề tài: Hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam.

Lập dàn ý:

  1. Mở bài: Giới thiệu về giá trị của hình tượng người phụ nữ

           – Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung
– Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hưong và Trần Tế Xương.

  1. Thân bài: Phân tích hình tượng người phụ nữ trong các thời kỳ

  • Hình tượng người phụ nữ từ thời sơ khai: Mẹ Âu cơ
  • Hình tượng người phụ nữ giai đoạn chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ: dần bị mờ nhạt; kém cỏi, bị coi thường…
  • Người phụ nữ thời xưa chịu nhiều thiệt thòi, hi sinh vì gia đình…
  • Hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: hiện diện ở vẻ đẹp vẹn toàn – vẻ đẹp kết hợp giữa sắc-tài-tâm; nhưng vẫn chịu nhiều bất công: thể hiện ở truyện Kiều của Nguyễn Du; thơ Hồ Xuân Hương; Vợ chồng A Phủ; Chiếc thuyền ngoài xa…
  • Thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước: nổi bật trong văn học: hình ảnh Mẹ Suốt; Bếp lửa của Bằng Việt; Sóng của Xuân Quỳnh; Bến quê của Nguyễn Minh Châu…
  1. Kết luận: Khẳng định lại hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam: được ví như viên ngọc tỏa sáng…

Bài văn mẫu phân tích hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong văn học

Văn học là bông hoa ngát hương nở ra từ cuộc sống đời thường. Lấy chất liệu từ đời sống thực tại, văn học như một tấm gương đa chiều đa diện phản ánh đủ muôn màu của thế giới đời thường. Và bởi phụ nữ chính là một nửa của thế giới, vậy nên hình tượng người phụ nữ từ xưa cho tới nay đã đi vào văn học một cách hết sức tự nhiên với một vẻ đẹp riêng, một sức hút riêng. Không chỉ vậy, người phụ nữ Việt Nam trải qua bao nhiêu thế hệ đã chạm khắc nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Họ trở thành những huyền thoại, những điển hình nghệ thuật bất hủ, những tuyệt khúc thiên thu mà tạo hóa đã dành tặng cho nhân loại. Vì thế nên hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam luôn thật đẹp, thật đáng quý biết nhường nào.

Văn học dân gian là cái nôi đầu tiên hình thành nên những tác phẩm văn học viết về hình tượng người phụ nữ. Tục xa xưa nhất nói đến sự hình thành nên cộng đồng người Việt đã nhắc tới người phụ nữ với một hình ảnh thật đẹp và nhiệm màu như tiên – mẹ Âu Cơ. Thuở đầu dựng nước cũng còn nhiều gian khó, không ai khác –  chính những người phụ nữ lại là người đầu tiên đứng lên đánh giặc bảo vệ nước nhà. Tuy nhiên khi nhà nước hình thành, người phụ nữ vì vốn là phái yếu, không đảm đương được vai trò sản xuất nông nghiệp chính nên dần dà bị đẩy lui về sau, trở thành cái bóng mờ nhạt của những người đàn ông. Chế độ phụ quyền lên thay thế, kể từ đây đứa bé gái sinh ra đã bị coi là kém cỏi, rồi suốt chặng đường dài lớn lên phải chịu vô vàn những cực nhọc đắng cay, phải nương nhờ phụ thuộc vào đàn ông. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ngày càng sâu sắc, nó tước đi cái quyền tự làm chủ số phận của người phụ nữ, ép người phụ nữ sống trong bao lề thói trói buộc của lễ giáo phong kiến…Và thế là, những lời ca dao than thân cứ vậy mà cất lên, lặng lẽ mà xót xa giữa cuộc sống đời thường. Họ cất lên tiếng lòng mình sầu đau ai oán:

“Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Cô gái ý thức được vẻ đẹp của mình, cái đẹp đương độ xuân thì rạng rỡ mà mong manh như “tấm lụa đào”. Đẹp là thế, yêu kiều là thế, ấy vậy mà sắc đẹp ấy cũng chỉ là vật bày bán giữa chợ đời, qua tay kẻ mua người bán. Và vả lại, xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác, để rồi mà “Lấy chồng chẳng biết mặt chồng”. Mới nghe ai cũng thấy điều ấy thật dí dỏm, khôi hài mà bật tiếng cười. Nhưng có ai biết cho chăng, tiếng cười ấy là tiếng cười xót xa, đau nhói, bởi đến chồng mình, người sau này sẽ là nơi nương tựa, là người cùng chung sống suốt những tháng năm sau cuối của đời người mà họ còn chẳng được biết mặt, thử hỏi có đau xót hay chăng? Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng… Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Vậy nên, dù là than thân trách phận hay khơi lên tiếng cười tếu táo khôi hài, chung quy hình tượng người phụ nữ trong ca dao tất thảy đều mang một vẻ ai oán bi thương. Câu chữ nào cũng toát lên một niềm đau xót, lời lẽ nào cũng thấm đẫm chua cay. Tuy vậy, ở họ vẫn toát lên một vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng vô cùng. Đó là tình yêu thương gia đình, tận tụy với chồng con dẫu cuộc đời nếm trải nhiều cay đắng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn đồng cam cộng khổ cùng chồng, xây dựng một gia đình đầm ấm yên vui. Có thể nói, những bài ca dao là tiếng nói muôn đời của người phụ nữ, là nơi họ có thể giãi bày, than thở về cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, song cũng là nơi để họ bày tỏ và khẳng định những giá trị, phẩm chất đáng quý của chình mình.

Tiếp nối và kế thừa từ văn học dân gian, hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX được thể hiện một cách đa dạng và khá toàn diện. Trong quan niệm thuở xưa, hình tượng người phụ nữ đẹp trong văn học trung đại hiện diện ở vẻ đẹp vẹn toàn – vẻ đẹp kết hợp giữa sắc-tài-tâm, giữa nhan sắc với đức hạnh “tam tòng, tứ đức”. Song cũng giống như người phụ nữ trong ca dao than thân xưa, họ cũng phải chịu nhiều bất hạnh mà xã hội phong kiến đem lại. Vậy nên ở thời kì này hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại là người phụ nữ đẹp gắn với số phận bất hạnh. Điểm qua những nhân vật nữ thời kì này mới thấy, ở họ có một điểm chung là cuộc đời đầy sóng gió bẽ bàng, không mấy ai là có được hạnh phúc thực sự. Phải chăng là do quan niệm phong kiến “hồng nhan bạc mệnh, hồng nhan đa truân”?! Tuy nhiên không phải nhân vật nào cũng na ná như nhau. Lại tùy theo cái nhìn chủ quan của tác giả mà vẻ đẹp mỗi nhân vật nữ lại được thể hiện với nét đặc sắc riêng, tạo nên sự đa dạng về nội dung cũng như hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại. Với Nguyễn Du, nàng Kiều tài tình là thế mà cũng phải trải qua bao sóng gió, bị vùi dập đến đau đớn khôn cùng. Kiều là viên ngọc kết tinh tài tình giữa tài và sắc, hiếu và tình, của những tài hoa và mệnh bạc, của những oan khuất trái ngang, là đại diện tiêu biểu cho những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Nguyễn Du đã xót xa nấc lên thay cho người phụ nữ ấy, không chỉ một mà đến hai lần một câu hỏi đau đáu:

Đau đớn thay phận đàn bà!

Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Với Hồ Xuân Hương cũng vậy. Hình tượng người phụ nữ trong thơ bà thật bi đát, long đong lận đận. Họ phải sống trong một chế độ phong kiến lạc hậu, người phụ nữ không có chỗ đứng và địa vị xã hội. Cho nên dù có đẹp đến mấy, tài đến mấy nhưng họ thường không được coi trọng, số phận như con ong cái kiến bé nhỏ đáng thương trong cuộc đời:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Câu thơ như lời chua xót, mỉa mai chính bản thân mình của những người phụ nữ đáng thương bị hủ tục phong kiến đè nén, áp bức đến héo mòn cả một phận hồng nhan, nhưng cũng là nỗi đau vì cô quạnh, thiếu vắng hạnh phúc lứa đôi,không người thương yêu, thông cảm. Ngày nay, đọc lại các tác phẩm văn học Việt Nam thời kì này mới thấy mỗi tác phẩm đều đong đầy nước mắt và nỗi xót xa cho thân phận người phụ nữ bé nhỏ, đau thương giữa cuộc đời đen bạc. Đó là một trong những thành công lớn của các tác giả văn học trung đại trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ mang đậm nét truyền thống dân tộc và thấm đượm cảm hứng nhân văn cao đẹp, góp phần vào trào lưu nhân đạo chủ nghĩa và tiếng nói đòi giải phóng con người, nhất là giải phóng người phụ nữ.Những thành tựu rực rỡ của văn học viết về hình tượng người phụ nữ ở thời kì này chính là tiền đề, là nền móng cho văn học hiện đại Việt Nam phát triển, nâng cao thêm hình tượng người phụ nữ trong xã hội mới.

Theo dòng chảy của lịch sử văn học Việt Nam, hình tượng người phụ nữ vẫn xuyên suốt trong các tác phẩm, xuất hiện trong cả thời kì văn học hiện đại. Trong thời chiến cũng như trong thời bình, người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời chung, để lại những ấn tượng sâu sắc trong nền văn học nước nhà. Họ kế thừa những phẩm chất tốt đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt truyền thống, như: nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, vị tha, hơn hết là yêu thương gia đình. Trong những năm tháng đất nước còn lầm than ở giai đoạn những năm 1945, người phụ nữ  đi vào thơ văn với những cảnh ngộ riêng nhưng vẫn mang nét chung của cả dân tộc. Đó là cô gái Mị dân tộc Mèo trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Mị mang một bi kịch riêng mình. Là một cô gái đẹp người đẹp nết, lại tài hoa yêu đời yêu cuộc sống, Mị khao khát một cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhưng cuộc đời trớ trêu thay, vì gia cảnh nợ nần – món nợ truyền kiếp từ khi Mị chưa được sinh ra – mà Mị phải về làm dâu nhà thống lý Pá Tra, đem thân trả nợ. Và thế là Mị cam đành với cuộc sống không bằng con vật trong nhà chồng, để rồi thu mình lại trong gian buồng có khung cửa sổ “mờ mờ, trăng trắng không biết là sương hay là nắng”.

Rồi đến với người đàn bà trong bức tranh “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, cũng lại là một mảnh đời cơ cực nữa. Cái cuộc đời quá cơ cực của chị luôn phải đối mặt với hai cơn bão táp: bão táp từ biển khơi lạnh lùng và bão táp từ người chồng vũ phu, thô bạo. Một cuộc đời lầm lũi đến đau lòng! Nhưng không dừng lại ở việc khai thác những nỗi đau khổ, những bất công của xã hội, của cuộc sống đã đẩy cuộc đời họ vào những bế tắc cùng cực. Mà ở đấy, các nhà văn đã tô đậm lên tất cả đó là những vẻ đẹp phẩm chất thật đáng trọng- thứ ánh sáng đẹp đẽ của tâm hồn người phụ nữ. Bằng tình yêu cuộc sống, khát vọng được sống mãnh liệt và với những phẩm chất tốt đẹp vốn có của người phụ nữ họ đã vượt qua những rào cản, những bất công xã hội, vượt qua số phận bất hạnh để tìm đến hạnh phúc. Mị vẫn còn tình yêu cuộc sống, nó âm ỉ cháy như ngọn lửa vùi bên bếp lửa nhà sàn, chỉ đợi chờ điều kiện thuận lợi để bùng lên dữ dội. Mị còn ngắm nghía những chiếc váy xòe hoa của thời con gái, để rồi nhận ra rằng: “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Khao khát được làm một người con gái bình thường lại trỗi dậy trong Mị, có lẽ chỉ bị những đắng cay cuộc đời che lấp mất chứ chẳng thể tiêu tan. Người đàn bà trên chiếc thuyền lênh đênh nơi biển cả vẫn nhẫn nhục hi sinh chứ không chịu bỏ chồng, vì cần có chồng làm nơi bám víu, cần chồng cùng mình nuôi lớn đàn con thơ. Chị thấu hiểu nỗi bế tắc trong lòng chồng, và hiểu hơn nữa cái thiên chức làm mẹ cao quý của đời mình. Và có lẽ cũng vì thiên chức đó mà chị chấp nhận tình trạng bị hành hạ ,chấp nhận cả cuộc đời cay đắng và đen tối chỉ để mong có được niềm hạnh phúc thật bình dị ,thật nhỏ nhoi là nhìn đàn con nhỏ ăn no… Phải chăng, đó chính là cái thứ ánh sáng lấp lánh của những hạt ngọc tình mẫu tử, tấm lòng bao dung vị tha và đức hi sinh của những người phụ nữ lao động trong những mảnh đời còn nhiều cơ cực tăm tối quanh ta? Chỉ có điều, những hạt ngọc đó còn quá lấm láp và nhiều tì vết bởi nó còn lẩn trong buồn đất , trong cát bụi của sự nghèo đói, lạc hậu, tối tăm… Đến đây ta còn nhận thấy hình tượng người phụ nữ cam chịu. Họ cam chịu trước số phận để hi sinh vì gia đình. Bước sang thời kì cả nước sục sôi chiến đấu bảo vệ quê hương, hình tượng người phụ nữ Việt Nam lại như bước sang một trang mới. Không còn bị kiềm tỏa bởi lễ giáo phong kiến, người phụ nữ lại dồi dào lòng yêu cuộc sống, hăng say lao động cống hiến cho công cuộc chung của đất nước.

Trong thơ, ta bắt gặp những hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là mẹ Suốt “sáu mươi vẫn một chút tài đò đưa”, giúp bao lớp bộ đội qua sông đi chiến đấu. Đó là những người bà tảo tần mưa nắng, một tay lo việc gia đình, là hậu phương vững chắc cho các con nơi tiền tuyến an tâm đánh giặc như trong “Bếp lửa” của Bằng Việt; là những người con gái mạnh mẽ kiên trung, chẳng sợ hiểm nguy, một lòng kiên trung với Tổ quốc, như những o du kích, những cô gái mở đường Trường Sơn huyền thoại… Người phụ nữ trong thời kì kháng chiến là vậy, rất sôi nổi, rất mạnh mẽ nhưng cũng mang một vẻ đẹp rất đằm sâu, mát dịu và êm đềm như “mảnh trăng giữa rừng”. Họ đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả dân tộc Việt Nam, làm hoàn thiện thêm bức tranh đẹp đẽ về người phụ nữ Việt Nam, xứng danh với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Sang thời bình, phụ nữ đã được trao cho quyền bình đẳng, họ có thể tự do bộc lộ những xúc cảm, những tâm tư mà trước đây họ chẳng thể giãi bày. Trong bài thơ “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh, ta có thể thấy được điều đó:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.”

Tuy vậy, họ vẫn mang những nét dịu hiền truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, như nhân vật Liên trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu:”…Nhĩ chợt nhớ về cái ngày anh mới cưới Liên. Một cô gái nhà quê nay đã trở thành một người đàn bà thành thị. Tuy vậy cũng như cánh bãi bồi bên sông, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên nét tảo tần và chịu đựng.Và chính nhờ những điều này mà sau bao ngày bôn tẩu, Nhĩ đã tìm thấy một nơi nương tựa ấy chính là cái gia đình bé nhỏ này.”Như vậy, một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm khao khát sống, niềm tin yêu và đức hi sinh cao cả đã phát họa nên bức chân dung về vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất của người phụ nữ trong nền văn học Việt Nam giai đoạn 1945 đến hết thế kỉ XX. Người phụ nữ đã đến và để lại cho nền văn học Việt Nam bức tượng đài bất hủ của những con người không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn đi tìm, hướng tới những gì tốt đẹp, tươi sáng trong cuộc đời. Họ luôn trường tồn trong tâm thức người đọc là “những con người đáng thương nhưng đáng trọng”.

Vậy mới thấy, ở thời nào cũng vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ như một hằng số, bất biến ngàn đời. Nó như những viên ngọc thô mà thời gian, những bất hạnh khổ đau là chất xúc tác mài giũa, càng ngày càng toả sáng lấp lánh. Và văn học Việt Nam qua các thời kì đã làm tốt công việc truyền tải vẻ đẹp ấy vào những tác phẩm văn học có giá trị, trường tồn mãi với thời gian. Hình tượng người phụ nữ trong văn học Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ mãi tỏa sáng, đi cùng dòng chảy văn học của nước nhà đến muôn đời sau.

.

 

Loading...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here