Làm rõ một số vấn đề trong “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải

0
656
Загрузка...
Загрузка...

Đề bài: “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Hãy làm rõ điều đó trong “Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải?

Bài làm:

Cuộc sống luôn tồn tại những cung bậc cảm xúc thăng trầm khác nhau. Chúng đủ để lấp đầy cả khoảng trống trong tâm hồn. Những tình cảm ấy được gói gọn trong các tác phẩm nghệ thuật – đứa con tinh thần của người nghệ sĩ . Chúng là nơi tóm lược tất cả những tâm tư, tình cảm của người sáng tác. Các tác phẩm như gieo vào lòng người đọc cả sự sống bên trong. Bởi vậy mà Nguyễn Đình Thi nói:” Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Và cái “Sự sống” ấy – cái sự sống của nghệ thuật luôn hiện hữu, luôn bất diệt trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải. Đó là sự kết tinh, chắt lọc của tâm hồn tác giả về những rung cảm trước đất trời và ước nguyện được dâng hiến, được hòa nhập và cuộc đời chung của đất nước.

Nhận định của Nguyễn Đình Thi thật đúng đắn, nó được đúc kết từ những trải nghiệm trong cuộc đời nghệ thuật của ông. Có lẽ mỗi tác phẩm đều là kết tinh cảm xúc tưởng chừng như thoáng qua trong trí óc nghệ sĩ, dường như được phô diễn toàn bộ trong tác phẩm – những đứa con tinh thần của người sáng tác. Ông gửi gắm trong đó những tình cảm sâu sắc nhất, những cảm xúc chân thành nhất, những khát vọng mãnh liệt nhất về con người và cuộc sống. Nó như tấm gương rọi chiếu tâm hồn nghệ sĩ, như những dòng nhật kí tâm tình của người sáng tác. Phải chăng điều đó khiến cho các tác phẩm trở thành kết tinh của tâm hồn người nghệ sĩ?

Những tình cảm ấy cũng đâu chỉ bó hẹp trong cái “tôi” cá nhân! Nó len lỏi vào nhận thức mỗi người và rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi. Giữa nhà văn và bạn đọc – giữa nguồi cội và sự thừa hưởng được gắn liền với nhau qua chiếc cầu nối là tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm là sự giao nhau của cái chung và cái riêng, là sự pha trộn giữa tâm sự của một người và bao người khác để tạo ra sự đồng cảm thấm thía nơi người đọc. Phải chăng sự đồng cảm đó xuất phát từ “sự sống” mà ta nhận được trong tác phẩm?

Sự sống ấy như dòng suối dịu mát trải dài trên những trang viết của Thanh Hải, khi thì bó chặt trong cảm xúc riêng tư, khi lại hòa quyện vào cuộc đời chung cao hơn, rộng hơn. Có thể nói, thơ Thanh Hải là nơi tiếp nối nguồn thơ Cách mạng, hòa lẫn vào bản anh hùng ca chống Mĩ cứu nước của cả dân tộc trong thời chiến tranh. Nhưng khi đất nước đã hòa bình thì thơ ông lại chuyển sang những tâm sự đời thường, những trăn trở về cuộc sống. Có lẽ khi bước sang cái tuổi năm mươi thì tâm hồn ông trở nên nhạy cảm hơn, ông lắng nghe được những vang âm trong cuộc đời và gửi gắm những rung động đó trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Đó là tiếng nói chân thành, tha thiết của nhà thơ, thể hiện tình yêu và say mê vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, sự gắn bó sâu nặng với quê hương đất nước, với cuộc đời. Bài thơ mở ra là một bức tranh xuân tươi đẹp có sức mê đắm lòng người:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời”

Hai câu thơ đầu là một sắc xuân tươi xinh rực rỡ tắm mát tâm hồn ta với màu “xanh” mát dịu của con sóng xứ Huế. Thiên nhiên nơi đây đã nhanh chóng rũ bỏ cái không khí nặng nề lạnh lẽo của mùa đông và khoác lên mình một tấm áo tươi non tràn đầy sức sống không gian xuân như cao hơn, rộng hơn với sự phối màu thật hài hòa giữa “dòng sông xanh” và “ bông hoa tím biếc”. Phải chăng đó là cái nhìn tinh tế của Thanh Hải khi đứng trước vẻ đẹp kiêu sa của thiên nhiên. Bức tranh xuân ấy còn được thả vào tiếng chim lảnh lót tạo nên cái hồn, cái sự sống tràn ngập của mùa xuân. Nó đã chuyển từ thể tĩnh sang thể động với âm thanh xao xuyến, với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân. Tất cả những cảm xúc đó dồn nén, dường như lắng đọng trong những từ cảm thán thốt lên từ sâu thẳm tâm hồn tác giả “ơi”, “hót” chỉ một cách nói mang đậm chất Huế. Thanh Hải đã phát hiện được mọi khía cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, phải chăng đây là cách cảm, cách nhân, cách mà ông gửi gắm tâm sự cuối đời?

Mùa xuân ấy đẹp quá! Nó có sức thu hút lạ kì, nó đưa nhà thơ đắm mình trong sự ngây ngất, say sưa “Tiếng chim hót”, “giọt long lanh” trong thơ Thanh Hải mở ra một thế giới về cảnh sắc ban mai trên đồng quê. Cảnh sắc ấy cũng thể hiện trong “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung:

“Sương treo trên đồng cỏ

Sương lại càng long lanh

Bay vút tận trời xanh

Chiền chiện cao tiếng hót”

Với Thanh Hải, mùa xuân của thiên nhiên đất trời thật ý vị và gợi bao xúc cảm trong tâm hồn. Phạm Văn Đồng có nói: “Trong tiếng ta, một chữ có thể dùng để diễn tả rất nhiều ý”. Trong bài thơ  “Mùa xuân nho nhỏ”, tác giả cũng gửi gắm bao điều, bao ý nghĩa mà chỉ cô đọng trong từ “giọt” độc đáo, “giọt” ở đây là giọt sương, giọt mưa xuân hay giọt âm thanh tha thiết của tiếng chim? Nó hiện ra thành hìnih khối như một vật hữu hình để nhà thơ có thể nâng niu “hứng”. Nếu nhân vật trữ tình lúc đầu xuất hiện trong tư thế một thi nhân đang hòa mình vào thiên nhiên thì ở đây tiếng “tôi” cất lên từ thi nhân thật cụ thể mà thân thiết. “Tôi đưa tay tôi hứng”. Phải chăng đó là sự đồng cảm của tâm hồn thi nhân trước thiên nhiên đất trời?

Khi thiên nhiên vào xuân, ấy cũng là lúc Thanh Hải cảm nhận được cái nhịp độ sôi nổi, sức sống mạnh mẽ của cuộc sống lao động và chiến đấu. Phải chăng đất nước cũng vào xuân, cũng hòa vào không khí xuân tươi vui của đất trời? Nhà thơ đã cảm nhận thật tinh tế để phát hiện ra một sự gắn kết thật hài hòa, ông đã gắn hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng” với màu xanh của mẹ, của cha ….. của sức sống nảy nở, sức sống màu xuân. Tác giả như được cuốn vào nhịp sống với khí thế khẩn trương của cả dân tộc:

“ Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”

Câu thơ giản dị, điệp ngữ “Tất cả như” diễn tả sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động. Từ sự “hối hả” của con người từ những âm thanh “xôn xao” âm thanh nhỏ mà có chiều sâu cuộc sống. Thanh Hải suy tư về sự phát triển của dân tộc:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”

Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm thăng trầm gian khổ. Trong những năm tháng đằng đẵng ấy, nhân dân ta vẫn giữ được sức mạnh to lớn để không ngừng tiến bước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “Đất nước như vì sao” là một hình ảnh so sánh đẹp đầy ý nghĩa. “Sao” là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Phải chăng vì sao đang tỏa sáng trên cao chính là biểu tượng cho vẻ đẹp ngời sáng của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Bốn câu thơ giản dị mà ánh lên niềm tin, niềm tự hào về một đất nước gian khổ mà giàu ý chí vươn lên. Phải chăng những dòng thơ dạt dào cảm xúc ấy là kết tinh của tâm hồn Thanh Hải – một tâm hồn tinh tế nhạy cảm, yêu thiên nhiên, đất nước và tự hào về truyền thống dân tộc?

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng náo nức, là khát vọng mãnh liệt, là ước nguyện chân thành của một trái tim luôn mong muốn được hòa nhập, được dâng hiến cho cuộc đời chung. Nhà thơ cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ rạo rực đang trỗi dậy trong tâm hồn:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Nhịp thơ dồn dập như sự tuôn trào của cảm xúc, của những ước mơ, khát vọng đang cháy bỏng trong tâm hồn thi sĩ. Ông muốn làm “con chim” dâng tiếng hát cho đời, làm “một cành hoa” tỏa hương sắc tô điểm cho thiên nhiên, cho mùa xuân đất nước. Nhà thơ còn muốn làm “một nốt” trầm lắng động sâu xa, góp vào khúc xuân của toàn dân tộc một chút vấn vương sâu lắng. Từ khát vọng hòa nhập, nhà thơ thể hiện rõ khát vọng cống hiến của mình, được làm “Một mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân của đất nước. Nhà thơ muốn đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước nhưng lại có một thái độ khiên nhường và “lặng lẽ”. Đó là lẽ sống đẹp bởi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Thanh Hải đã sống như lời thơ ông tâm tình đã dâng hiến như một nhiệm vụ tất yếu của bản thân. Mùa xuân ông góp cho đời – “Một mùa xuân nho nhỏ” mà không nhỏ bé chút nào. Nó ẩn chứa bao điều lớn lao, tâm niệm của một con người sắp phải lìa xa cuộc sống. Phải chăng đó là tiếng nói chân thành nơi đáy lòng tác giả?

Nhưng bài thơ hay đâu chỉ dừng lại ở một khía cạnh tâm hồn. Nó còn đánh thức trong người đọc sự suy ngẫm, chiêm nghiệm sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng. Với sự chân thành của cảm xúc, sự tinh tế giàu sức biểu cảm ngôn từ và hình ảnh, nhà thơ đã tạo nên một sự cộng hưởng nhà thơ với bạn đọc. Tiếng thơ không còn là tiếng lòng của riêng tác giả mà là của mọi người, là tiếng hát của lý tưởng sống cao đẹp. Những xúc cảm, những rung động của nhà thơ như thấm nhuần vào tâm hồn ta, ý thơ như mở ra một bức tranh xuân hiện hữu ngay trước mắt độc giả. Thanh Hải còn truyền cho ta niềm tự hào về chặng đường lịch sự, về truyền thống vẻ vang của dân tộc ta với “bốn ngàn năm” gian khổ nhọc nhằn. Cũng trong bài thơ, cái riêng và cái chung như quấn quyện với nhau, mở ra trong lòng bạn đọc một lẽ sống đẹp – đó là sự hòa nhập, dâng hiến thầm lặng cho đời. Cái “tôi” nhỏ bé đã hòa vào cái “ta” chung của cuộc đời, ý nghĩa bài thơ không còn bị bó hẹp trong đời sống cá biệt nữa mà góp vào tâm tư chung của bao người. Kết thúc bài thơ là tiếng hát yêu thương của nhà thơ dành tặng cho quê hương với làn điệu dân ca. “Câu Nam ai, Nam bình” quen thuộc của xứ Huế. Phải chăng cũng từ đó mà tác giả truyền cho ta tình yêu quê hương, yêu cội nguồn của chính mình.

“Mùa xuân nho nhỏ” là sự kết tinh, chắt lọc của hồn thơ Thanh Hải. Bài thơ với tâm tư, với cảm xúc riêng của một trái tim nhạy cảm mà để lại âm vang trong tâm hồn bạn đọc. Nó như làn sóng nhẹ lướt trong tâm hồn nhà thơ, cuốn theo bao tình cảm chân thành trôi theo dòng chảy của ý thơ. Một tiếng nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường của thi nhân mà có sức lay động, xao xuyến lòng người. Lời thơ cất cánh từ những cảm xúc, những tình cảm riêng của cái “tôi” trữ tình để rồi gieo vào lòng người đọc những cảm xúc, tình tứ như vậy. Có thể nói, bài thơ chẳng khác nào một chuyến đò trở đầy tâm sự nhẹ lướt trên dòng tâm sự và cập vào bến đỗ tâm hồn bạn đọc.

Nhận định Nguyễn Đình Thi quả thực là một tuyên ngôn nghệ thuật được hun đúc từ cuộc đời từng trải của ông. Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng . Điều đó như lắng đọng trong “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải – một tiếng nói riêng tư mà có sức vang mạnh mẽ trong tâm thức con người.

 

Loading...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here