Nghị luận xã hội về cái kén bướm và nêu quan điểm của mình

0
1929
Загрузка...
Загрузка...

Đề bài: Bằng những lý lẽ của mình, hãy viết một bài nghị luận xã hội về cái kén bướm trong câu chuyện dưới đây để nêu quan điểm của mình.

Câu chuyện như sau: “ Một cậu bé tìm thấy cái kén bướm. Một hôm cậu thấy cái kén hé lỗ nhỏ. Cậu ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi cậu bé thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa?! Vì thế, cậu quyết định giúp chú bướm nhỏ. Cậu lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.

Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn cậu bé cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình

Nhưng chẳng có gì thay đổi! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà cậu bé không thể hiểu: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.

Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn”.

Dàn Bài Nghị luận xã hội về cái kén bướm

  1. Mở bài:

+ Tóm tắt ngắn gọn lại câu chuyện, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân

2. Thân bài:

  1. Giải thích:

Thông qua câu chuyện, ta rút ra được một quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội:

– Khó khăn, thử thách chính là cơ hội để con người thử sức và trưởng thành hơn để đạt được thành công.

– Một sự thật mà ta nhận ra trong quá trình nghị luận xã hội về cái kén bướm đó chính là sự giúp đỡ là đáng quý, nhưng giúp đỡ không đúng nơi ,đúng lúc sẽ trở thành một mối nguy hại cho người được giúp.

  1. Khẳng định vấn đề:

* Luận điểm 1:

– Khó khăn, thử thách là cơ hội để ta có thêm kinh nghiệm, có thêm kỹ năng để có thể vượt qua được những chông gai sau này.

– Trước khó khăn thử thách, chúng ta cần phải bình tĩnh và cố gắng vượt qua, không nên vội bỏ cuộc, chỉ có như thế mới đạt được thành công như mong đợi.

– Cho dù khó khăn, trắc trở bày ra trước mắt ta và gần như không thể vượt qua, ta cũng phải chấp nhận sự thật đó và vững vàng để vượt qua.

– Nếu không vượt qua được những khó khăn, thử thách trước mắt, ta sẽ không thể trưởng thành và sẽ không bao giờ thành công mà sẽ như chú bướm nhỏ không thể cất cánh lên bầu trời, mà chỉ bò loanh quanh như những con sâu mà thôi.

* Luận điểm 2:

– Trong cuộc sống, trong xã hội, sự giúp đỡ lẫn nhau , yêu thương dân tộc, đồng loại luôn đáng quý và cần thiết nhưng giúp đỡ không đúng lúc sẽ làm cho người được nhận sự giúp đỡ: Mất đi cơ hội để rèn luyện bản thân và trưởng thành hơn; Thiếu đi kỹ năng sống; Không tự mình làm chủ được cuộc sống, khó đạt được thành công sau này…

+ Hậu quả của việc đó là: khiến người được giúp có tính dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, yếu đuối, không có nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

  1. Ý nghĩa của câu chuyện:

– Sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn sẽ dạy cho ta nhiều điều, sẽ cho ta thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến thành công. Chúng ta không được bỏ cuộc mà phải luôn vươn lên vì ước mơ của mình.

– Nếu nhận sự giúp đỡ từ người khác, ta phải biết trân trọng và nỗ lực hơn nữa

– Cần cân nhắc thật kỹ trước khi giúp người khác để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc và day dứt về sau – như cậu bé kia sẽ hối tiếc vì đã giúp đỡ bướm nhỏ mà không để cho chú bướm trưởng thành theo quy luật tự .

  1. Biểu hiện:

– Trong cuộc sống có rất nhiều người tự nỗ lực vượt qua khó khăn để cuối cùng dẫn đến thành công như: Bác Hồ (bằng ý chí của mình đã đi đến cái đích mà Người mong muốn – độc lập tự do cho dân tộc),những học sinh nghèo vượt khó, vừa phụ giúp gia đình vừa đi học mà cuối cùng đậu vào các đại học danh tiếng với số điểm rất cao.

– Họ nhận được giúp sức từ xã hội, gia đình nhưng không vì thế mà họ trở nên ỉ lại. dựa dẫm, trái lại họ còn cố gắng thêm rất nhiều và cuối cùng cũng đạt được thành công như mong muốn.

– Trong xã hội hiện nay, có những người có nhiệt huyết và tấm lòng muốn giúp đỡ người khác thật lòng chứ không vì danh lợi nên họ biết cách giúp đỡ trọn vẹn và lâu dài, cho “cần câu” chứ không cho “cá”, như những chương trình truyền hình thực tế “vượt lên chính mình, ngôi nhà mơ ước, câu chuyện ước mơ” luôn trân trọng những con người luôn cố gắng và không bao giờ từ bỏ ước mơ.

– Trái lại, cũng có một số người như cậu bé trong câu chuyện, vì không toàn tâm chú ý mà hấp tấp vội vàng, nên giúp đỡ một cách không suy nghĩ, hời hợt khiến cho người được giúp ỷ lại. Đó là những bậc cha mẹ quá nuông chiều con, khiến cho con trẻ không có ý thức tự lập mà luôn dựa dẫm, thậm chí vô cảm trước mọi việc.

  1. Phê phán và giải quyết:

– Phê phán những ai thiếu niềm tin, không có ý chí nghị lực.

– Cần nêu gương những con người có ý chí, nghị lực luôn cố gắng vượt qua khó khăn để tiến đến thành công.

– Giúp đỡ những ai chưa có ý chí nghị lực một cách hợp lý để họ hiểu được cần phải có sự tự nỗ lực của bản thân mình thì mới thành công.

– Phê phán những người có lòng tốt nhưng hời hợt, gây ra những hậu quả đáng tiếc và cần tuyên truyền rộng rãi việc tương trợ lẫn nhau một cách đúng đắn trong cộng đồng.

  1. Bài học nhận thức và hành động:

– Mỗi người trong chúng ta phải lấy chú bướm làm bài học cho mình, không bao giờ được từ bỏ niềm tin và ý chí, nếu không sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn, sẽ như chú bướm mãi không bao giờ cất cánh lên được.

– Không nên hời hợt như cậu bé trong chuyện, sự giúp đỡ là quý nhưng không nên giúp đỡ thái quá mà phải suy nghĩ chín chắn trước khi hành động.

3. Kết bài: nghị luận xã hội về cái kén bướm

– Mỗi người trong chúng ta đều có sức mạnh của riêng mình để vượt qua khó khăn, khó khăn như đã trở thành điều tất yếu của cuộc sống mà không ai có thể tránh khỏi.

– Hãy đừng vội từ bỏ ước mơ vì những khó khăn áp lực trước mắt, vượt qua tất cả ta sẽ thành công.

– Không nên có thói quen nương nhờ, dựa dẫm, ta sẽ trở nên yếu đuối mà không thể làm chủ được cuộc đời cho riêng mình.

– Giúp đỡ người khác là việc nên làm nhưng giúp đỡ như thế nào để sự giúp đỡ đó trở nên hữu ích và không mang lại hậu quả xấu là điều mà chúng ta cần cân nhắc.

Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về cái kén bướm và nêu quan điểm của mình

Có lẽ bạn đã từng đọc câu chuyện về một chú bé và cái kén bướm, Cậu bé nhìn thấy một chú bướm nhỏ đang cố gắng thoát ra khỏi chiếc kén một cách đầy khó khăn và dường như chú đã bỏ cuộc. Bằng lòng tốt của mình, cậu bé đã cắt chiếc kén đi với mong muốn giúp chú bướm nhỏ thoát ra dễ dàng, nhưng…chú bướm sẽ không bao giờ bay được nữa. Cậu bé ấy đâu biết rằng chính nỗ lực tự thoát ra khỏi chiếc kén sẽ giúp cho chú bướm có được một đôi cánh cứng cáp để bay lên, không trải qua khó khăn thử thách ấy thì chú bướm nhỏ sẽ không bao giờ có thể bay được – cậu đã làm hại chú bướm nhỏ. Câu chuyện đầy ý nghĩa ấy gửi gắm đến ta bao suy ngẫm sâu sắc về khó khăn trong cuộc sống và ý nghĩa của sự giúp đỡ đúng lúc. Khó khăn thử thách là điều cần có trong cuộc sống, nó giúp ta trưởng thành hơn để tiến đến thành công. Không nên từ bỏ niềm tin quá sớm và dựa dẫm vào người khác quá nhiều, mỗi người phải biêt tự vượt qua khó khăn của riêng mình. Bên cạnh đó, chúng ta cần nhìn lại cách mà ta giúp đỡ người khác. Biết giúp đỡ người khác là điều đáng quý nhưng cần giúp đỡ đúng lúc, đúng chỗ nếu không sẽ gây ra hậu quả không mong muốn.

Câu chuyện về cái kén bướm ấy là một quy luật tự nhiên, chú bướm phải chui ra khỏi cái kén thì mới có thể bay và có lẽ đó cũng là quy luật xã hội cũng là như vậy. Chiếc kén bướm ấy cũng như là khó khăn, là thử thách với chú bướm, nếu bướm thoát ra được chiếc kén bằng chính sức lực của mình thì nó như sẽ có thêm sức mạnh, thêm vững vàng để trưởng thành và sẵn sàng bay cao hơn, xa hơn. Cũng như chú bướm phải cố gắng thoát khỏi chiếc kén để bắt đầu cuộc sống, mỗi con người luôn phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách thì mới trưởng thành được. Những khó khăn, thử thách ấy là đòn bẩy giúp ta thêm vững vàng trước sóng gió, cơ hội của cuộc đời. Đây cũng chính là cơ hội để mỗi chúng ta có thể khám phá khả năng của bản thân mình, biết mình cần già và nên làm gì để đạt được thành công. Bên cạnh đó, ta còn cần phải suy nghĩ về sự giúp đỡ của cậu bé đối với chú bướm nhỏ, nhưng do cậu không biết được rằng chú bướm ấy phải tự mình vượt qua khó khăn như một quy luật để sinh tồn. Vì vậy cậu đã vô tình tước đi khả năng bay lượn bản năng của chú bướm kia mà không hề hay biết.Vậy mỗi chúng ta cần phải có sự suy nghĩ, xem xét kỹ trước khi giúp đỡ một ai đó, nếu không sự giúp đỡ ấy sẽ phản tác dụng mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho người được giúp.

Thật vậy, không có ai mà không có khó khăn cần phải vượt qua trong cuộc sống, có lẽ khó khăn thử thách luôn đồng hành trên mỗi bước đường ta đi. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống, ta không thể nào né tránh được. Vậy thì tại sao ta lại sợ hãi trước những khó khăn, thử thách mà phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Tại sao ta không nỗ lực, cố gắng hết mình để đặt chân đến bến bờ mơ ước, thành công, hạnh phúc? Khó khăn, thử thách chỉ là cơ hội để ta có thêm kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân hơn, có kỹ năng để có thể vượt qua được những chông gai sau này, nó sẽ giúp ta trường thành, tự tin và mạnh mẽ hơn. Cho dù phía trước ta đầy những thử thách làm ta cảm thấy sợ hãi, nhưng ta không được bỏ cuộc mà hãy dũng cảm đón nhận và vượt qua. Chỉ cần có niềm tin, có ý chí và nghị lực, mọi chuyện rồi sẽ trở nên dễ dàng, đừng vội nản lòng, đừng từ bỏ quyết tâm trước những khó khăn, thử thách khi ta chưa thực sự cố gắng hết mình. Chỉ có như thế thì ta mới có thể chạm vào ước mơ của mình và đạt được điều mình mong muốn. Nếu như ta bỏ cuộc, ta nản chí, không nỗ lực vượt qua khó khăn thì ta sẽ tự mình dập tắt những hi vọng của bản thân. Khi đó, bản thân chúng ta sẽ như chú bướm nhỏ kia, không đủ can đẩm chui ra khỏi cái kén mà phải chờ đến sự giúp đỡ của người khác thì chú sẽ mãi mãi không bay lên được mà chỉ bò loanh quanh trong suốt cuộc đời. Liệu bạn có đủ tự tin và đủ nỗ lực để vượt qua tất cả, bạn có chấp nhận làm một chú bướm như vậy không?

Với tất cả chúng ta, sự giúp đỡ cũng là một điều đáng quý và đáng trân trọng, nhưng khi sự giúp đỡ đặt vào đâu thì chúng ta cần phải suy nghĩ thật kỹ càng, phải giúp đỡ người khác một cách có tâm huyết chứ không phải hời hợt, giúp đỡ cho có mà không hề nghĩ đến hậu quả về sau. Nếu ta giúp đỡ người khác một cách thái quá tức là ta đã tự tước mất khả năng tự làm chủ cuộc sống của họ. Người được giúp đỡ sẽ mất đi cơ hội để rèn luyện bản thân, sẽ không thể trưởng thành được, họ sẽ mất đi kỹ năng sống cần thiết cho mình. Điều đó sẽ làm cho người được giúp sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, sẽ trở nên yếu đuối và luôn sợ hãi trước mọi khó khăn và sẽ mãi không có ý chí nghị lực để vươn lên. Chúng ta có vui không khi mà người chúng ta giúp đỡ lại có một cuộc sống như vậy, không tự mình đứng lên, liệu chúng ta có ở bên cạnh để giúp đỡ mãi thế được không hay chỉ giúp được vài lần và vô tình tước đi khả năng tự lập của người đó?

Sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn sẽ dạy cho ta nhiều điều, sẽ cho ta thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến thành công. Khó khăn thử thách không phải là để ta bỏ cuộc mà để ta thêm quyết tâm hơn, nỗ lực hơn. Vì vậy, chúng ta không bao giờ được khuất phục trước thử thách khó khăn mà hãy tự tin vươn mình đối mặt, sẵn sàng chạm đến ước mơ của mình, sẵn sàng chiếm lấy thành công. Chúng ta cũng phải trân trọng sự giúp đỡ của người khác và càng phải cố gắng hơn khi có được sự nâng đỡ ấy, chứ không được ỷ lại hay dựa dẫm. Phải biết tự mình vượt qua khó khăn thì mới có thể trưởng thành hơn được.

Trong cuộc sống có rất nhiều người tự nỗ lực vượt qua khó khăn để cuối cùng dẫn đến thành công, Bác Hồ – Vị chủ tịch vĩ đại của dân tộc ta – chính là một tấm gương sáng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được đến thành công, bằng chính ý chí, nghị lực của mình mà Bác đã đưa cả dân tộc đi đến đích đó là nền độc lập, dân chủ cho nhân dân Việt Nam như ngày nay. Hay ta có thể thấy được những tấm gương học sinh nghèo vượt khó, vừa tranh thủ thời gian phụ giúp công việc cho gia đình vừa đi học mà cuối cùng lại đỗ vào các trường đại học danh tiếng với những điểm số rất cao, thậm chí là đậu thủ khoa, á khoa các trường đại học. Những học sinh ấy mặc dù điều kiện học tập còn khó khăn, trường lớp các em học cũng không phải là trường giỏi, trường nổi tiếng nhưng bằng chính sự nỗ lực và niềm tin của mình, họ còn giỏi hơn rất nhiều các cô chiêu, cậu ấm nơi thành thị. Họ được giúp sức từ gia đình và xã hội nhưng không vì thế mà trở nên dựa dẫm. Trái lại họ đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều và cuối cùng cũng đạt được thành công như họ mong đợi. Bên cạnh đó, cũng có không ít những con người luôn chờ đợi sự giúp sức từ những người khác, không tự mình tìm ra con đường để tự bước đi đến thành công, mà lại chờ trợ cấp từ xã hội, thậm trí có những người còn giả vờ tật nguyền, tàn tật để lợi dụng lòng thương của mọi người nhằm xin xỏ, trục lợi. Hay những cô cậu trẻ tuổi sung sức nhưng lại buông thả, mất hết cả tương lai trong khi mải đắm chìm trong sự chán nản… tất cả những điều ấy khiến cho chúng ta giật mình về sự suy giảm về ý chí, nghị lực trong mỗi con người thế hệ trẻ ngày nay.

Ta cũng rất trân trọng sự giúp sức của xã hội, những chương trình “Lá lành đùm lá rách” tới những hoàn cảnh khó khăn, Có những người thật lòng muốn giúp ích cho xã hội chứ không vì danh lợi nên họ biết cách giúp đỡ một cách phù hợp, thật trọn vẹn và lâu dài chứ không khoa trương mà vô nghĩa. Những chương trình truyền hình thực tế như “Vượt lên chính mình” “Chiếc lá yêu thương”…luôn trân trọng những con người đầy nghị lực, luôn cố gắng và không bao giờ từ bỏ ước mơ. Chính vì vậy những nhân vật của mỗi số chương trình luôn là những tấm gương cho chúng ta cũng như khẳng định một điều “Chúng ta chỉ thực sự vươn lên khi cố gắng của chính mình, còn sự giúp đỡ chỉ là để cho ta thêm niềm tin và dễ dàng đạt đến hạnh phúc hơn mà thôi. Trái lại, cũng có một số người như cậu bé trong câu chuyện, vì không toàn tâm chú ý lại vội vàng hấp tấp, chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt mà quên đi hậu quả có thể xảy ra, chú đã giúp đỡ cái kén bướm một cách vô tư, không nghĩ ngợi, hời hợt biến người được giúp thành người ỷ lại và dựa dẫm. Đó là cũng chính là hình ảnh những bậc cha mẹ nuông chiều còn, khiến cho con trẻ không có ý thức tự lập mà luôn dựa dẫm thậm chí vô cảm trước sự khó khăn của người khác. Những bậc cha mẹ vì quá thương con mà vô tình biến con thành một đứa trẻ không có khả năng tự lập, không thể tự đóng góp công sức của mình cho gia đình và xã hội.

Chúng ta cần nhìn lại và cùng nhau giải quyết những vấn đề nhức nhối ấy. Chúng ta cần phê phán những ai thiếu niềm tin, không có ý chí, nghị lực. Ta cũng cần nêu gương những con người có ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn để tiến đến thành công. Bên cạnh đó, chúng ta phải giúp đỡ những người chưa có ý chí, nghị lực một cách hợp lý để họ nhận ra rằng cần phải có sự nỗ lực từ chính bản thân mình thì mới đi tới thành công. Ta phải lên án những con người sống lợi dụng vào công việc từ thiện để đánh bóng tên tuổi, cũng như xem lại mỗi khi có ý định giúp đỡ một cai vì cho dù đó là lòng tốt nhưng hời hợt, không hết lòng thì cũng để lại hậu quả đáng tiếc. Vì vậy ta cần tuyền truyền rộng rãi việc giúp đỡ, hỗ trợ lấn nhau một cách đúng đắn trong cộng đồng để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Bản thân mỗi người trong chúng ta cần phải lấy hình ảnh chú bướm trong câu chuyện làm một bài học cho bản thân mình, không bao giờ được từ bỏ niềm tin và ý chí, nghị lực, nếu không sẽ chẳng bao giờ bước đến thành công như mình mong muốn, sẽ như chú bướm kia không bao giờ cất cánh lên bầu trời rộng lớn kia được. Cũng không nên hời hợt như cậu bé kia, sự giúp đỡ là đáng quý trọng, nhưng giúp đỡ trong hoàn cảnh nào để sự giúp đỡ đó trở nên có ích.

Nghị luận xã hội về cái kén bướm ta chợt nhận ra một chân lý đó là khi sinh ra, ai cũng có một sức mạnh tiềm ẩn cho riêng mình để vượt qua mọi khó khăn thử thách, đơn giản vì khó khăn như đã trở thành một điều tất yếu của cuộc sống mà không ai có thể tránh khỏi. Chúng ta không bao giờ được từ bỏ ước mơ vì những khó khăn áp lực trước mắt, khi vượt qua tất cả chúng ta sẽ đạt được thành công ta sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc từ chính thành công mà chúng ta đã tạo ra. Chính vì vậy mà chúng ta không nên tạo ra thói quen dựa dẫm vào người khác, cho dù có nhận được sự giúp đỡ từ ai đó ta vẫn phải luôn cố gắng không ngừng. Bên cạnh đó ta cũng cần biết giúp đỡ người khác, nhưng giúp đỡ cần phải có sự suy nghĩ, cân nhắc để không biến người được giúp thành một kẻ ỉ lại.

Bài văn mẫu số 2: nghị luận xã hội – câu chuyện Cái kén bướm

Trong cuộc sống, mỗi một hành động của chúng ta đều có đích đến, mỗi một quá trình đều có tác dụng. Trên hành trình đi tìm thành quả, khó khăn là không thể tránh khỏi và thất bại là một phần tất yếu. Trước những khó khăn gian khổ đó, có người thay đổi hướng đi hay bỏ cuộc, nhưng cũng có người chống chọi để vượt qua nghịch cảnh, để tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Những thử thách ấy khiến ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn trước sóng gió cuộc đời. Cuộc sống là vậy, không có con đường nào bằng phẳng, không có thành công nào dễ dàng.  Đó cũng là một bài học triết lý thâm trầm, sâu sắc về lẽ sống mà câu chuyện “Cái kén bướm” đã gửi gắm.Tạo hóa không ban đôi cánh cho loài bướm mà nó phải tự mình nỗi lực thoát ra khỏi kén để có thể bay lên được.

Nội dung câu chuyện  “Cái kén bướm” giản dị, tự nhiên mà nói lên bao suy nghĩ trong lòng người đọc. Mở đầu câu chuyện là một hoàn cảnh hết sức khó khăn của loài bướm. Ta đã biết, cây lớn lên trong rừng cũng phải trải qua bao phong ba, bão táp mới có thể mọc lên thành những cây cao, to khỏe. Đối với loài bướm, nó phải trải qua cả một quá trình tôi luyện, vượt qua khó khăn để có thể hình thành và có đôi cánh vững chắc, giúp nó bay lên được. Đó cũng là thử thách mà con bướm trong câu chuyện gặp phải?  Nó đang nỗ lực chui ra khỏi cái kén dày nhưng có vẻ không đạt được kết quả mong muốn. Quan sát con bướm trong bài giờ, cậu bé quyết định giúp nó vượt qua khó khăn bằng cách cắt cái khe hở to ra để giúp nó chui ra dễ dàng hơn. Đây là một việc làm hết sức tự nhiên, xuất phát từ lòng tốt của cậu bé. Nhưng sự giúp đỡ ấy vô tình đã khiến con bướm không thể trưởng thành theo lẽ tự nhiên mà nó không thể bay được “phải bò trườn suốt cuộc đời” bởi cơ thể nó bị phồng rộp và cánh nó co lại, bé xíu” Con bướm đã thất bại sau cả một quá trình nỗ lực, cố gắng. Vậy ta nhận ra rằng không phải khi nào sự giúp đỡ cũng có lợi đối với người khác!

Câu chuyện như chiếc chìa khóa mở ra một chân trời triết lí sâu xa về lẽ sống và khóa chặt những suy nghĩ tầm thường trong lòng người đọc. Ta thử nghĩ, Con người không được tôi luyện, rèn dũa trong thử thách thì cũng đâu có thể hoàn thiện bản thân, giống hình ảnh con bướm kia, không tự mình chui ra khỏi cái kén kia thì không thể bay lên được. Câu chuyện “Cái kén bướm” là một ẩn dụ về thế giới loài người, nó gieo vào lòng ta những hạt giống tâm hồn mạnh mẽ, xanh tươi để bước vào đời. Có chăng đó là những hạt giống của sự nỗ lực, của bản lĩnh và nghị lực vượt qua khó khăn nghịch cảnh? Trong thực tế, nhiều người vốn có khả năng làm nên sự nghiệp nhưng cả cuộc đời không có cơ hội tranh giành với nghịch cảnh, không có sự tôi luyện trong gian khổi để có thể kích động năng lực tiềm tàng bên trong, cho nên cuộc đời vẫn chỉ là con số không. Vậy nghịch cảnh đâu phải là kẻ thù của chúng ta mà thực tế nó là hạt giống chứa đựng những lợi ích, nó là điều kiện, là thử thách để giúp ta hoàn thiện bản thân hơn. Và cứ mỗi lần vượt ra một thử thách ta sẽ thấy mình trưởng thành hơn, khi đó cuộc đời sẽ có ý nghĩa biết bao. Nhưng câu chuyện không chỉ truyền cho ta những điều đó mà nó lên giá trị đích thực của sự giúp đỡ. Trong cuộc sống, đôi khi có những sự giúp đỡ khiến ta vững vàng hơn, rắn rỏi hơn, tự tin hơn nhưng nó không hoàn toàn đúng trong mọi hoàn cảnh. Cũng giống như cậu bé trong câu chuyện, sự giúp đỡ của cậu không đem lại lợi ích gì cho cái kén bướm.Và cậu bé cũng nhận ra sự giúp đỡ của mình là vô nghĩa. Ngược lại nó lại làm cho con bướm không thể bay theo cách tự nhiên của đồng loại. Chúng ta cần phải tự mình tôi luyện, tự mình đứng lên trước những khó khăn, đau đớn thì mới có thể bước trên đường đời?

van-nghi-luan-xa-hoi-cau-chuyen-cai-ken-buom-ren-luyen-y-chi
Vượt qua gian khổ để gặt hái thành công!

Nếu như con người không kiên nhẫn tôi luyện trong thử thách thì họ sẽ ra sao? Thế mới biết, sự nỗ lực và bản lĩnh vượt lên những khó khăn của cuộc đời mình là một trong những hành trang quan trọng để hoàn thiện bản thân. Cái đích đến trong cuộc sống chẳng bao giờ là dễ dàng mà luôn chứa đựng đầy chông gia. Nhưng người có bản lĩnh, có khí phách thì có thể biến thất vọng thành nâng đỡ, giống như con trai sau những ngày chăm chỉ, miệt mài vượt qua thử thách, khó khăn của sông nước, biển cả đã biến hạt cát thành hạt ngọc. Và viên kim cương càng cứng thì ánh sáng của nó càng lung linh, kì diệu, khi muốn ánh sáng của nó hiện ra thì chỉ có sự mài dũa mới làm nó tỏa sáng được. Vậy con người không gặp phải những thử thách thì ngọn lửa của sự sống cũng sẽ không bùng cháy. Bởi thế mà chúng ta cũng phải được tôi luyện để hình thành bản lĩnh, nghị lực và tài năng. Hãy tự mình đứng dạy, tự mình bước những bước đi trong cuộc đời dẫu nhiều khó khăn, thử thách.

Câu chuyện cái kén bướm như một nguồn sáng vô tận rọi chiếu vào tâm hồn người đọc, khiến ta như được soi mình vào tấm gương để nhận ra những khiếm khuyết của mình. Ta được thấm thía hơn về một lẽ sống cao đẹp về bí quyết đi đến thành công trong cuộc đời. Đó là sự nỗ lực, là ý chí, bản lĩnh tự vươn lên trong thử thách, là sự kiên nhẫn tôi luyện trong gian khổ. Đến lúc đó, ta sẽ thực sự có một đôi cánh vững chắc để bay đến những chân trời mơ ước như chú bướm trong câu chuyện cái kén bướm kia.

Loading...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here