Hình ảnh ánh trăng trong Đoàn thuyền đánh cá, Đồng Chí và Ánh trăng

0
2257
Загрузка...

Đề bài: Sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng trong các bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận; “Đồng chí” của Chính Hữu và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

  • Lập dàn ý
  1. Mở bài sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng trong 3 tác phẩm

Загрузка...

– Giới thiệu về ánh trăng: như một người bạn gắn bó.

– Sự khám phá vẻ đẹp của ánh trăng được phô diễn trong các vần thơ.

– Ánh trăng vĩnh hằng, bất diệt thể hiện trong 3 tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá; Đồng Chí; Ánh trăng…

  1. Thân bài : Sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng trong 3 tác phẩm

– Hình ảnh ánh trăng làm bạn đồng hành, cùng đồng cam cộng khổ với các anh bộ đội trong tác phẩm Đồng Chí

– Cách xây dựng hình ảnh ánh trăng trong thơ Chính Hữu mang tính biểu tượng sâu sắc.

– Hình ảnh ánh trăng trong thơ của Huy Cận mang đậm chất vui tươi, hứng khỏi của cuộc sống lao động vùng biển

– Ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong mối quan hệ với con người lao động

– Ánh trăng quyện với hơi thở của nước Hạ Long tạo nên một không khí vừa hứng khởi lại vừa nên thơ

– Vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người nhưng còn pha màu triết lí thâm trầm và đầy ấn tượng trong thơ Nguyễn Duy.

– Tác giả Nguyễn Duy như nhìn thấy phần khuất tối của mình, thấy được sự vô tâm, quên lãng đáng trách.

– Bài thơ “Ánh trăng” là dòng hoài niệm của nhà thơ về quá khứ nghĩa tình về tuổi thơ hạnh phúc

  1. Kết bài: Sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng trong 3 tác phẩm:

– Khẳng định là về ý nghĩa, vẻ đẹp, sự thủy chung của trăng qua hình ảnh ánh trăng trong 3 tác phẩm.

  • Bài làm:

Có thể nói trăng là sự kết tinh của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất, vẻ đẹp của nó đủ để làm mê đắm hồn thi nhân. Trăng như một người bạn hữu gắn bó bền chặt với con người, là thú vui để họ đăng lầu vọng nguyệt, đàm đạo thi ca. Ánh trăng dát vàng lung linh ánh sáng dịu nhẹ ấy tỏa lan mọi nẻo đường, nó như chạm đến cả tâm hồn thi nhân. Bởi vậy mà trăng luôn là bến đợi, bến chờ của nhiều tác giả. Họ đã đi sâu vào khám phá mọi khía cạnh trong vẻ đẹp của ánh trăng bằng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc. Và sự khám phá ấy như được phô diễn, được thấm nhuần qua từng câu thơ, từng trang viết. Hình ảnh Ánh trăng đã đi vào thơ ca với vẻ đẹp vĩnh hằng, giờ đây nó như hiện hữu bất diệt trong các bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận; “Đồng chí” của Chính Hữu và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Đó đều là những thi phẩm tràn ngập ánh trăng.

Trong vườn thơ dân tộc, ta đã bắt gặp hình ảnh ánh trăng trong nhiều thi phẩm với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó bao trùm tạo vật, gắn bó với con người dẫu đó là lúc gian khổ của chiến tranh khi hòa bình lập lại. Phải chăng vì thế mà nó đã được các nhà thơ khám phá và thể hiện một cách vừa gần gũi lại vừa riêng biệt trên những trang viết của mình? Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, ta dễ bắt gặp hình ảnh ánh trăng đồng cam cộng khổ cùng những người lính trong thời chống Pháp. Nhà thơ đã gợi mở một không gian bao la của núi rừng Việt Bắc, một hoàn cảnh khắc nghiệt của đêm đông lạnh giá để rồi trăng xuất hiện làm tan biến hết những gian khổ thử thách ấy. Nếu qua những “Cơn ớn lạnh”, những trận “Sốt run người” và những thiếu thốn về vật chất, ta thấy những biểu hiện yêu thương đùm bọc của tình đồng chí thì khổ thơ cuối lại nêu lên những biểu hiện cao đẹp nhất, đó là chung chiến hào:

“ Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Trong đêm đông vô cùng lạnh lẽo hoang vu giữa núi rừng chiến khu, trong gian khổ khắc nghiệt, trong căng thẳng “Chờ giặc tới” thi các chiến sĩ vẫn “đứng cạnh bên nhau”, vào sinh ra tử có nhau.Và trong hoàn cảnh đó thì trăng cũng như một người đồng chí, đồng đội luôn gắn bó và tỏa ánh sáng ấm nồng làm dịu đi cái rét buốt của thiên nhiên. Ánh trăng soi sáng tạo vật, rọi sáng mọi nẻo đường lối đi của các anh lính Cụ Hồ. Nếu người lính trên đường ra trận có ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan thì người lính đi phục kích giặc giữa một đêm đông “rừng hoang sương muối” lại có “đầu súng trăng treo”. Dưới cái nhìn của người lính thì súng và trăng không còn khoảng cách nữa mà quấn quyện với nhau làm tan biến cái hiện thực của chiến tranh gian khổ. Hình ảnh ánh trăng trong thơ Chính Hữu khiến người đọc mê đắm và hòa mình vào không gian bao lãng mạn dưới ánh sáng dát vàng lung linh. Nó như nguồn sáng vô tận rọi vào bức tranh một ánh sáng riêng, một màu sắc riêng thấm đẫm tình người. Phải chăng đó chính là sự khám phá sâu sắc, sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ?

Bài thơ “Đồng Chí” quả thực là một thi phẩm tràn ngập ánh trăng. Nó thể hiện rõ phong cách thơ Chính Hữu. Ngôn ngữ thơ hàm sức, mộc mạc, tiết kiệm trong từng hình ảnh, từng câu chữ mà gợi lên nhiều ý nghĩa. Câu thơ chắc gọn bên ngoài mà ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết bên trong. Có thể nói, nét độc đáo và đặc sắc nhất trong cách thể hiện của Chính Hữu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn. Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc “Súng” và “trăng” là gần và xa, là thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ và chất thi sĩ. Phải chăng đó là cách thể hiện rất riêng trong thơ Chính Hữu?

Cũng viết về hình ảnh ánh trăng nhưng trong thời kì đổi mới ở miền Bắc thì Huy Cận lại có sự khám phá rất khác biệt so với Chính Hữu. Đọc bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”; người đọc như được đắm mình trong những trang viết thấm nhuần ánh trăng cuộc sống lao động. Nếu trước năm 1945, thơ Huy Cận giàu chất triết lý và thấm thía bao nỗi buồn thì sau Cách mạng, thơ ông lại dạt dào niềm vui, nhất là khi ông nói về cuộc sống mới, con người mới. Phải chăng vì thế mà hình ảnh ánh trăng trong thơ của ông cũng mang đậm chất vui tươi, hứng khỏi của cuộc sống lao động vùng biển? Huy Cận đã hòa nhập vào cuộc sống lao động và khai thác ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong mối quan hệ với con người lao động làm chủ cuộc đời. Nhà thơ đã gợi lên bầu không khí hồ hởi, tràn ngập sức sống của cảnh đánh cá trên biển mênh mông rộng lớn. Ông đã nhập thân vào thiên nhiên, vào công việc, vào con người để rồi vẽ nên một khung cảnh lao động vừa thực vừa ảo:

“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Nếu trong cảnh rừng hoang sương muối, trang đồng cam cộng khổ như một người đồng chí, đồng đội thì giờ đây trong công việc đánh bắt cá của ngư dân, trăng lại là một người bạn đồng hành trên mọi chuyến ra khơi. Đoàn thuyền “lướt”nhẹ mà nhanh trên mặt biển hiền hòa phẳng lặng như một tấm gương soi cảnh trời mây. Trong cái tốc độ phi thường của con thuyền thì có gió lái thuyền đi, buồm đầy trăng sáng. Nhưng nhà thơ lại viết “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” thì hình như nó đã biến thành đoàn thuyền của toa nhận mặc khách rồi, đâu còn là đoàn thuyền của ngư dân đánh cá nữa! Ánh trăng theo con người đi khắp biển khơi, tỏa ánh sáng lung linh dát vàng trong đèn tối soi tỏ mọi hoạt động của ngư dân. Biển nước chan hòa ánh trăng làm lộ ra những con cá rực rỡ sắc màu. Ánh trăng quyện với hơi thở của nước Hạ Long tạo nên một không khí vừa hứng khởi lại vừa nên thơ, khiến người đọc như đi vào cõi mộng. Phải chăng đó chính là sự khám phá của Huy Cận về hình ảnh ánh trăng tròn và sự gắn bó với con người lao động làm chủ đất nước?

Nhà thơ đã vẽ nên một khung cảnh lao động tràn ngập ánh trăng với đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, với trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện. Huy Cận đã sáng tạo hình ảnh đẹp, độc đáo qua cách sử dụng màu sắc, sử dụng các thủ thuật nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa và thậm xưng. Từng câu thơ đều thấm đượm bao sức sống mãnh liệt của người dân vùng biển cũng thấm đượm ánh trăng. Đó chính là cách thể hiện rất riêng trong thơ Huy Cận.

Thơ Nguyễn Duy cũng đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người nhưng còn pha màu triết lí thâm trầm và đầy ấn tượng. Ánh trăng ấy tỏa sáng bất diệt, vĩnh hằng trong bài thơ “Ánh trăng” một bài thơ được cô đúc nên từ tâm sự.

Có lẽ nhìn trăng  tác giả như nhìn thấy phần khuất tối của mình, thấy được sự vô tâm, quên lãng đáng trách. Xưa, Nguyễn Tuân đã từng coi trăng là “cố nhân”, Xuân Diệu trong bài “Nguyệt Cầm” cũng đã tha thiết gọi: “Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng  ngần”. Trở lại với bài thơ “Ánh trăng”, bao nhiêu cảm xúc dường như nén lại nhưng nó cứ thổn thức trong lòng. Trong cái khoảnh khắc bất ngờ ấy khiến cho lòng người trở nên “rưng rưng” – cái “rưng rưng” làm cho con người thanh thản lại, vững tâm lại, cái tốt như hé lộ. Cái nút tâm lí giờ đây đã được nới rộng và niềm tâm sự cũng đang dần được tháo gỡ. Cuộc gặp gỡ giữa trăng với người không hề “tay bắt mặt mừng” mà lắng xuống ở độ sâu cảm nghĩ. Xưa Lí Bạch có viết:

“ Cử  đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương”

Nếu ở đây, hai câu thơ trên khơi nguồn cảm xúc cho thơ hướng về quê hương thì trong thơ Nguyễn Duy, trăng lại đưa người đọc tìm về những miền kí ức xa xăm trong quá khứ. Nhìn trăng, nhà thơ nhìn thấy bao kỉ niệm đẹp chợt ùa về – những kỉ niệm đầm ấm nghĩa tình. “Đồng, sông, bể, rừng” tất cả những thứ ấy, thứ quen thuộc với quá khứ lại hiện hữu trong tâm trí con người. Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băm khoăn, rối bời của tâm trạng. Trước cái nhìn sám hối của nhà thơ, vầng trăng như gợi lên báo cái “còn” mà con người tưởng chừng như đã mất. Hai gương mặt đối diện với nhau ở đây lấp lánh những điều không nói. Phải chăng nó khiến ta nhớ đến khi tình yêu mới bén giữa Kim Trọng và Thúy Kiều? Cũng chính trong giây phút ấy, vầng trăng đã trả cho nhà thơ sự vô tư và tình người dạt dào. Đoạn thơ như đã khắc sâu điều mà nhà thơ muốn tâm sự. Phải chăng những kỉ niệm này cũng khơi dậy cái ân tình sâu nặng của một thế thời chinh chiến?

Nguyễn Duy đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự bất biến, cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc đời. Thời gian, kỉ niệm cứ như dòng chảy không ngừng những nó đâu cuốn đi được lòng thủy chung son sắt của trăng? Cái tròn đầy đó đối lập với cái hụt với của kẻ vô tình. Trăng bao dung độ lượng biết bao! . “Ánh trăng im phăng phắc” gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc khiến nhà thơ giật mình thức tỉnh mặc dù trăng không một lời oán trách. Nhìn trăng – tác giả như nhìn thấy sự vô tâm quên lãng của mình đối với người bạn tri kỉ trong một thời gian quá khứ. Cái “Giật mình” ấy thật đáng trân trọng – một sự thức tỉnh của lương tâm. Phải chăng qua đó tác giả muốn rung lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người? Thế mới biết, những bài học sâu sắc về đạo lí làm người đâu cứ phải tìm trong sách ở hay từ những khái niệm trừu ượng xa xôi!

Trong bài thơ, ánh trăng tỏa sáng không gian, rọi sáng tâm hồn, làm sống dậy trong tâm trí con người bao kỉ niệm gian lao mà đầm ấm nghĩa tình. Những tâm sự sâu kín của người thi sĩ giờ đây là tình cảm chung của cả một thế hệ nặng sâu ân tình. Ta dễ thấy, suốt cả bài thơ chỉ có một chủ thể nhưng cái chủ thể ấy lại dấu mình vô danh. Phải chăng qua đó, Nguyễn Duy muốn nói lên tâm sự chung của mọi người thuộc cùng thế hệ? Cả bài thơ là dòng hoài niệm của nhà thơ về quá khứ nghĩa tình về tuổi thơ hạnh phúc. Đó không còn là một câu chuyện riêng, một tâm sự riêng mà là tiếng lòng sâu sắc của bao người khác. Cái “tôi” chủ quan giờ đã biến thành cái “ta” mang ý nghĩa khái quát hơn, rộng lớn hơn. Cái chung và cái riêng – cái kỉ niệm và cái ân tình cứ hòa quyện với nhau tạo nên một hồn thơ dạt dào cảm xúc.

Vậy với tư cách là một độc giả đi dạo trên chuyến đò thời gian men theo dòng hoài niệm của Nguyễn Duy, ta có thể khẳng định rằng bài thơ “Ánh trăng” là một bài thơ hay mang đầy giá trị. Cái giá trị ấy là sự kết tinh của dòng cảm xúc sâu lắng và chất triết lí thâm trầm. Bài thơ là sự giao nhau của tâm hồn thi sĩ với tâm sự nghĩa tình của cả một thế hệ. Chúng hòa quyện với nhau tạo nên một tư tưởng triết lí sâu xa.

Qua ba tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, “Đồng chí”, “Ánh trăng”  chúng ta thấy rõ sự khám phá  và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng của ba nhà thơ. Ánh trăng không chỉ là ngọn đèn soi sáng giữa đêm tối mập mờ, mà nó còn là người bạn chi kỉ trên suốt chặng đường ta đi. Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ánh trăng vẫn là người bạn luôn sánh bước bên ta. Ánh trăng thủy chung, trọn vẹn,  nghĩa tình sắt son. Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau.

 

 

Loading...

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here