Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

1
287
Загрузка...
Загрузка...

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng):

… Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rài rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,
Áo bào thay chiếu anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Bài văn mẫu

Văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã để lại những tác phẩm sống mãi với thời gian. Một trong những tác phẩm xuất sắc ở vị trí hàng đầu, trước hết phải kể đến bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Bài thơ được Quang Dũng viết khi xa đơn vị một thời gian. Những năm tháng gắn bó với Tây Tiến, tình đồng chí đồng đội thiết tha, tình quân dân mặn nồng với một thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa khắc nghiệt nên thơ… tất cả đã trở lại trong kí ức và làm sống dậy hồn thơ. Kỉ niệm ấy gắn với một thời trai trẻ của nhà thơ, để lại bao nuối tiếc.

Bài thơ có ba phần, hai phần đầu Quang Dũng miêu tả thiên nhiên, núi rừng Tây Tiến vừa dữ dội, hiểm trở vừa thơ mộng. Cảnh tượng thiên nhiên dữ dội hiểm trở hiện lên với núi cao, dốc thẳm mà lại thêm thác ghềnh cọp dữ. Vẻ đẹp thơ mộng của Tây Tiến hiện lên với cảnh lửa trại đêm liên hoan của quân đội có đồng bào địa phương đến góp vui, với những tiếng khèn điệu múa và cảnh sông nước đầy chất thơ của miền Tây trong hình ảnh uyển chuyển của cô gái Thái xuôi thuyền về Mộc Châu. Phần thứ ba của bài thơ Quang Dũng danh để thể hiện hình ảnh đoàn quân Tây Tiến:

Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Đơn vị Tây Tiến sống và hoạt động giữa một vùng sốt rét hoành hành nên ngoại hình của họ thật kì lạ, sốt rét đến nỗi làm cho đầu họ rụng hết cả tóc và da xanh rớt như tàu lá. Có người nói “cái đầu không mọc tóc” là chân dung của những anh “vệ trọc”, “vệ túm” một thời do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu phải cắt tóc ngắn, thậm chí phải cạo trọc đầu. Ở đây có lẽ Quang Dũng không có ý định nói đến điều đó, nhà thơ muốn khắc đậm cái gian khổ của người chiến binh đang phải vượt qua cơn sốt rét dữ dội trong những ngày đầu kháng chiến còn đầy vất vả và gian truân. Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Cả nước cũng đã từng nói đến hình ảnh anh vệ quốc quân thời ấy:

Giọt giọt mồ hôi rơi

Trên má anh vàng nghệ.

Chính Hữu cũng miêu tả trực tiếp về căn bệnh này:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi.

(Đồng chí)

Người lính Tây Tiến cũng phải chịu những cơn sốt run người như thế, nhưng ta vẫn nhận ra họ là những người lính Tây Tiến bởi họ có cái rất riêng không thể trộn lẫn được của những chàng trai Hà Nội. Nhờ thơ nói “không mọc tóc” chứ không nói “rụng tóc”. Ông chọn từ “binh” chứ không dùng từ “quân” hay từ “lính”… đều là những từ đồng nghĩa. Bản thân từ “binh” ngoài ý nghĩa chỉ quân đội, nó còn có một âm vang hùng tráng. Ở câu thứ hai nói “quân xanh màu lá”, không phải nói quân trang xanh màu lá, mà nói đến hình ảnh người lính có phần tiều tụy, da dẻ xanh xao. Nhưng tiếp theo đó, Quang Dũng lại hạ ba chữ “dữ oai hùm”, làm ý thơ mạnh mẽ hẳn lên. Cái tài của tác giả trong đoạn thơ này là nói lính ốm mà không thấy lính ốm, có tóc rụng da xanh nhưng ấn tượng đọng lại trong lòng người đọc lại là một hình ảnh oai phong lẫm liệt, cái vẻ đẹp toát lên từ tinh thần người lính. Nhà thơ không che giấu sự thật gian khổ nhưng cách nói của tác giả làm cho không ai cảm thấy đó là đoàn quân ốm yếu, mà ngược lại họ lại ngời lên một sức mạnh “oai hùm” một khí thế dũng mãnh như vị chúa tể của núi rừng.

Những người lính Tây Tiến phần nhiều là những học sinh, sinh viên của cố đô Thăng Long. Họ vừa tạm biệt một mái trường, một khu phố để dấn thân vào đời lính. Ra đi chiến đấu, họ không nguôi nỗi nhớ về hậu phương thân yêu, nhưng nỗi nhớ của người lính Tây Tiến cũng rất khác với nỗi nhớ của những người lính trong thơ Hồng Nguyên hay Chính Hữu, vốn xuất thân từ nông dân, họ ra đi từ những miền quê nghèo khó “nước mặn đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”, bởi thế nỗi nhớ của họ tuy cũng thiết tha nhưng vẫn mộc mạc, chân thành gắn với cuộc đời lam lũ:

Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều tranh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

(Nhớ – Hồng Nguyên).

Người lính Tây Tiến lại có cách nhớ riêng của những chàng thanh niên Hà Nội:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Họ gửi “mộng” qua biên giới – nơi còn đầy bóng giặc – mộng giết giặc lập công và “mơ” về Hà Nội với những dáng kiều thơm, những thiếu nữ yêu kiều. Đã có một thời, những câu thơ như thế rất khó được chấp nhận và bị quy kết là “mộng rớt” tiểu tư sản. Xét đến cùng giữa chiến trường miền Tây vô cùng khốc liệt ấy, nếu người lính Tây Tiến không biết mơ mộng, thi vị hóa cuộc sống vì mục đích cao hơn thì họ sẽ bị chết chìm trong hiện thực khắc nghiệt, chứ không còn đủ sức để chiến đấu với kẻ thù. Chất lãng mạn mơ mộng ấy chính là chẩm chất cần thiết giúp con người có sức mạnh vượt lên trên hoàn cảnh để chiến thắng. Chính Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước cũng viết về nỗi nhớ của người chiến sĩ:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Câu thơ đầu với những từ Hán Việt thật trang trọng: “biên cương”, “mồ”, “viễn xứ” gợi lên một hình ành bi thảm, rùng rợn của chiến tranh. Những nầm mồ nơi đất khách quê người nằm rải rác khắp biên cương. Câu thơ này nếu đứng tách ra thì ấn tượng bi thảm thật đến vô cùng. Nhưng đến câu thơ sau, nhà thơ lại nói đến một phẩm chất rất đẹp của người lính Tây Tiến, ý thơ lại thành ra thật bi tráng:

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Không biết có gì trong mấy chữ giản dị tưởng như không kia, mà đọc lên lại thấy day dứt đến thế. Câu thơ nhắc đến hình ảnh những người lính về quốc năm xưa trong kháng chiến họ đã ra đi như thế. Họ đã từ giữ nhà ra đi chiến đấu với một kẻ thù không cân sức, có đủ mọi vũ khí tối tân.

Họ ra đi chỉ có hai bàn tay với một tấm lòng và một lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một cuộc ra đi không hẹn ngày về như lời một bài hát đầy hào khí một thời: “Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi – nào có mong chi đâu ngày trở về…”. họ biết cuộc chiến tranh này là vô cùng khốc liệt, phía trước còn bao gian khổ để chiến thắng, rất có thể họ phải ngã xuống, nhưng họ vẫn vui vẻ ra đi, ra đi “chẳng tiếc đời xanh”, không hề tính toán thiệt hơn, không hề mặc cả. Tâm hồn của người lính Tây Tiến đẹp đẽ, trong sáng biết bao nhiêu.

Đoạn thơ khép lại bằng hai câu tiếp tục âm hưởng bi tráng tô đậm mất mát hi sinh của người lính, một sự ra đi thật đẹp đẽ và hào sáng:

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Sự thật trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, người lính phải chịu bao thiếu thốn: “Áo anh rách vai. Quần tôi có vài miếng vá” (Đồng chí – Chính Hữu). Thậm chí đến khi chết đi, người chiến sĩ Tây Tiến không có cả chiếu để chôn mà chỉ được mai táng trong chính bộ quần áo của họ. Hiện thực thật chua chát nhưng cách nói của Quang Dũng đã làm giảm đi rất nhiều cái bi đát của chiến trường. Nhà thơ không nói “áo” mà nói “áo bào” và khi nói áo bào thì người ta không còn nghĩ đến một cái áo bình thường nữa, mà nghĩ đến một cái gì đẹp hơn, sang trọng hơn nhiều và anh chết đi là anh “về đất” – về đất chứ không phải được chôn vào lòng đất, đây còn là hành động tự nghĩa, là sự trở về của những anh hùng vừa hoàn thành nhiệm vụ, đó là niềm trân trọng yêu thương của đất mẹ.

Cuối cùng là tiếng gầm thét dữ dội của Sông Mã vĩnh biệt người chiến sĩ đi vào cõi vĩnh hằng “Sông Mã hầm lên khúc độc hành”.

Để tiễn đưa người chiến sĩ vô danh ra đi, Quang Dũng không cần đến một lời ngợi ca sáo mòn nào của con người, ông cũng không cần đến những giọt nước mắt xót thương người lính của những người mẹ, người vợ, ông chỉ để cho trời đất chứng giám và thu nhận thể xác linh hồn người lính vào lòng để “Sông Mã gầm lên”, độc tấu một hành khúc bi tráng tiễn đưa hồ tử sĩ vào cõi bất tử. Đoạn thơ mang chất bi tráng ngay trong nỗi buồn và sự bi thương.

Tây Tiến là một bài thơ có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, nó đánh dấu một thời ra đi không trở lại của lịch sử nước nhà. Bài thơ được sáng tác theo cảm hứng lãng mạn giàu nhạc điệu, cái nhạc điệu vang lên từ chính vẻ bi tráng của hình tượng thơ trong đó. Đoạn thơ bình giảng là một trong những đoạn thơ hay nhất thể hiện rõ bút pháp nghệ thuật của Quang Dũng trong việc sử dụng từ ngữ và hình ảnh để dựng lên một tượng đài tập thể bi tráng về người chiến sĩ vô danh tây Tiến. Sẽ không bao giờ còn trở lại cái thời gian khổ đến nhường ấy và lãng mạn đến nhường ấy, song bài thơ sẽ mãi là chứng tích cho vẻ đẹp hùng tráng của người lính một thời.

 

Loading...

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here