Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những vị quan thanh liêm của thời nhà Mạc, vì bất lực với chính sự, không thể can ngăn nhà vua, vạch tội bọn nịnh thần nên ông đã cáo lão về quê ở ẩn. Bài thơ “Nhàn” là một tác phẩm ra đời trong thời điểm ấy, thể hiện rõ vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ngoài ra, Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà nho nổi tiếng với những tác phẩm để đời mà qua đó người đọc thấy rõ vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ “Nhàn” cũng là một trong những tác phẩm như thế. Chỉ trong bốn câu thơ đầu bài thơ đã thể hiện rõ quan điểm sống của ông.
- Đề bài: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua những câu thơ sau:
“ Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Bài văn mẫu số 1: Vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một vị quan dưới thời Mạc, do vua không nghe lời khuyên của ông diệt trừ gian thần mà ông đã cáo quan về một nơi dân dã sinh sống. Tại đó, ông đã sáng tác tập thơ Bạch Vân Am thi tập, với tác phẩm nổi tiếng là bài thơ “Nhàn” mà qua đó người đọc thấy rõ vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Với mỗi người, cuộc sống nhàn được hiểu theo những cách khác nhau. Có người nói cuộc sống nhàn là cuộc sống trong vinh hoa phú quý, lại có người nói đó là cuộc sống thảnh thơi không phải suy nghĩ gì…Nhưng với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì khác, cuộc sống nhàn của ông là một cuộc sống đắm mình trong thiên nhiên:
“ Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Câu thơ đầu tiên, ông sử dụng số từ “Một” nhiều lần, theo sau là các danh từ “mai, cuốc, cần câu” cho ta thấy sự bình dị, thân thuộc. Bởi những danh từ kia là những vật dụng làm nông hàng ngày mà ai ai cũng biết. Kết hợp với nhịp thơ ngắt quãng chậm rãi gợi sự thong thả, những dụng cụ luôn sẵn sàng, nhà thơ trở về với cuộc sống dân dã, bình dị, an nhiên, tự tại, cuộc sống tự cung, tự cấp. Từ “thơ thẩn” trong câu thơ thứ hai lại khiến cho ta có cảm giác thật ung dung. Hai câu thơ đầu không chỉ diễn tả được đề tài mà còn cho ta thấy được vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Một cuộc sống bình dị nơi thôn quê.
Hai câu thơ tiếp theo, tác giả dùng biện pháp đối lập “ta dại” với “người khôn” với “nơi vắng vẻ” và “chốn lao xao”. Tác giả đã chủ động tìm một nơi vắng vẻ ở nơi thôn quê thanh nhàn mặc người tìm đến “chốn lao xao”. Tác giả tự nhận mình là “người dại” , bỏ qua vinh hoa phú quý để sống cuộc sống thanh nhàn. Đặt mình vào hoàn cảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta có thể thấy ông là người rất có hoài bão, luôn mong muốn nhân dân có cuộc sống ấm no. Tuy nhiên, triều đình lục đục, nhiều thế lực tham lam chuyên đi bóc lột cần bị tiêu diệt lại vẫn cứ ung dung, còn người thương dân như ông lại bị chối bỏ tấu chương xử loạn thần. Giữa vòng đấu tranh như vậy, ông đã trở về với thiên nhiên để di dưỡng tinh thần đồng thời giữ cho mình được trong sạch, thanh cao.
Qua bài thơ “Nhàn”, ta thấy rõ vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là cuộc sống không màng vinh hoa, phú quý, chỉ có một cuộc sống nhàn và hòa mình vào thiên nhiên.
Bài văn mẫu số 2: Vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta luôn nhắc tới chuyện ông dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng vua không nghe, ông bèn cáo quan về quê ở ẩn. Câu chuyện này đủ để ta hình dung về vẻ đẹp cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là một cuộc sống, tâm hồn cao đẹp, sáng ngời. Và nếu đọc thêm bài thơ “Nhàn” chúng ta sẽ càng thấu hiểu hơn về cuộc sống đó, nhân cách đó.
Cáo quan về quê, tất nhiên Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn được hưởng bổng lộc của triều đình nữa. Nhưng không quá nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm dễ dàng hòa nhập với cuộc sống thôn quê đạm bạc. Ngay từ câu thơ đầu tiên, người ta đã có cảm giác đang đứng trước một lão nông tri điền với những công cụ lao động. Cách đếm rành rọt “Một…một…một” cho thấy tất cả đã sẵn sàng, chu đáo. Đồng thời, nó cũng thể hiện một phong thái ung dung, thư thái, thanh nhàn, có chút ngông ngạo. Hai chữ “thơ thẩn” nói lên trạng thái thảnh thơi của con người “vô sự” trong lòng không chút cơ mưu, tư dục. Cụm từ “dẫu ai vui thú” nói lên ý thức kiên định lối sống đã lựa chọn. Hai câu thơ như đưa ta về với cuộc sống chất phát, nguyên sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền”. Rõ ràng có sự tương đồng trong cuộc sống, lối sống của con người này. Đến đây, người đọc đã dần cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó chính là một tinh thần nhập thế rất tích cực của các bậc đại ẩn.
Thật khó có thể tìm thấy dấu vết của lối sống quan trường cao sang trong những câu thơ như vậy. Chủ động lựa chọn cuộc sống đó nên Bạch Vân cư sĩ sẵn sàng đón nhận cảnh sống đạm bạc. Thế mới biết vật chất đơn sơ không bao giờ có thể làm cho những nhân cách lớn phải vướng bận, lo toan. Đạm bạc trong cuộc sống của những con người này không đi với khắc khổ. Nó đi với thanh cao. Cuộc sống thanh cao trong sự trở về với thiên nhiên, mùa nào thức ấy. Chỉ hai câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khắc họa một bộ tranh tứ bình về cảnh sinh hoạt với bốn mùa xuân, hạ , thu, đông; có mùi vị, có hương sắc, không nặng nề, không ảm đạm. Lựa chọn cuộc sống thanh đạm, tự nguyện hòa nhập với thiên nhiên, sống trung hòa thuận theo tự nhiên là thoát ra ngoài vòng ganh đua của thói tục, là không bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn an nhiên khoáng đạt. Ông đối lập với danh lợi như nước với lửa. Nhà thơ đối lập “nơi vắng vẻ” với “chốn lao xao” đối lập “ta” với “người”. Nơi vắng vẻ là nơi tĩnh tại của thiên nhiên và là nơi thảnh thơi của tâm hồn, là nơi ta thích thú, được sống thoải mái, an toàn. Người đến “chốn lao xao” là đến chốn cửa quyền, “chốn lao xao” là chốn “chợ lợi, đường danh” huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giành giật, hãm hại nhau, là nơi nhiều nguy hiểm khôn lường.
Tìm đến sự thanh cao, tìm thấy sự thư thái của tâm hồn. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, cứ thanh thản một cách là lạ. Bài thơ vẻn vẹn tám câu. Người đọc vẫn có cảm nhận rất rõ nét về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó cuộc sống đạm bạc mà thanh cao và nhân cách vượt lên trên danh lợi của một bậc tiền nhân.
Bài làm số 3: vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm ( Sinh năm 1491- Mất năm 1585) là người có học vấn uyên thâm. Tuy nhiên khi nhắc đến ông là mọi người thường nghĩ ngay đến việc lúc ông làm quan, ông đã từng dân sớ vạch tội xin chém đầu mười tám lộng thần nhưng đã không thành công nên ông đã cáo quan về quê. Ông là một nhà thơ lớn của dân tộc. Khi mất, ông để lại tập thơ viết bằng chữ Hán – Bạch Vân Am thi tập. Và bài thơ tiêu biểu nhất trong tập thơ đó là bài thơ “Nhàn”. Bốn câu thơ cuối của bài thơ nói rõ nhất về vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hai câu thơ đầu đã khắc họa được như thế nào một cuộc sống nhàn rỗi :
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẫn dầu ai vui thú nào”
Ở câu thơ đầu đã khắc họa hình ảnh một ông lão nông dân sống thảnh thơi. Bên cạnh đó tác giảc còn dùng biện pháp điệp từ “Một” thêm vào là một số công cụ quen thuộc của nhà nông dân nhằm khơi gợi trước mắt người đọc một cuộc sống rất tao nhã và gần gũi nhưng không phải ai muốn là có. Từ “Thơ thẩn” trong câu hai khắc họa dáng vẻ của một người đang ngồi ung dung, chậm rãi và khoan thai. Đặt hình ảnh ấy vào cuộc đời tác giả ta có thể thấy được lúc nhàn rỗi nhất của ông chính là lúc ông cáo lão về quê ở ẩn. Và từ “vui thú nào” cũng một lần nữa nói lên cái nhàn rỗi, cái vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, đó là cảnh nhàn dẫu có ai bon chen vòng danh lợi nhưng tác giả vẫn thư thái. Hai câu thơ đầu không chỉ giới thiệu được đề tài mà còn khắc họa tư thế ung dung nhàn hạ, tâm trạng thoải mái, nhẹ nhàng vui thú, điền viên…
“…Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người khôn người đến chốn lao xao”
Hai câu thơ tiếp theo của bài thơ ý tác giả muốn nhắm đến cảnh nhàn và sử dụng các từ đối lâp nhau như “ta” – “người”; “dại” – “khôn”; “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao” một loạt những từ đối lập đó đã thể hiện được quan niệm sống của ông. Nhân vật trữ tình đã chủ động tìm đến nơi vắng vẻ với chốn thôn quê cuộc sống thanh nhàn mặc cho bao người tìm đến chốn “phồn hoa đô hội”. Hai câu thơ đã đưa ra được hai lối sống độc lập, hoàn toàn trái ngược nhau. Ông tự nhận mình là “dại” vì theo đuổi cuộc sống thanh đạm thoát khỏi vòng danh lợi để giữ cho tâm hồn được thanh nhàn. Vậy lối sống của ông có phải là lối sống xa dời và trốn tránh trách nhiệm? Điều đó tất nhiên là không, vì hãy đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác chỉ có thể làm như vậy mới có thể giữ cốt cách thanh tao của mình. Do ông có hoài bão muốn giúp vua làm cho trăm dân no ấm, hạnh phúc nhưng triều đình lúc đấy tranh giành quyền lực, nhân dân rất đói khổ, tất cả ước mơ hoài bão của ông không được xét tới. Vậy nên ông rời bỏ “Chốn lao xao” là điều đáng trân trọng. Ta có thể cảm nhận được ông đã sống rất thanh thản, hòa hợp với thiên nhiên, tận hưởng mọi vẻ đẹp vốn có của đất trời mà không bon chen, tranh giành. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì bài thơ đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là lối sống tích cực thể hiện rõ thái độ của Bạch Vân cư sĩ.
Như vậy, qua bốn câu thơ đầu của bài thơ “Nhàn” ta đã hiểu rõ được quan niệm sống nhàn và nhân cách của ông, coi thường danh lợi, luôn giữ được tâm hồn thanh cao hòa hợp với thiên nhiên. Quan niệm sống đề cao vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lối sống trong sạch của ông vẫn còn giữ nguyên giá trị trong bài thơ cho đến tận ngày hôm nay.
Bài làm số 4: Vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan dưới triều Lê Mạc. Ông là một người có học vấn uyên thâm. Thơ của ông thường mang chất triết lí và thường viết về thiên nhiên trốn thôn quê dân dã. Bài thơ “Nhàn” là một bài thơ nói về một cuộc sống nhàn hạ, thanh tao, không quỵ lụy ai. Vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện qua những câu thơ:
“ Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”
Hai câu thơ đầu thể hiện thú vui của cuộc sống nhàn. Cuộc sống nhàn là cuộc sống thuần hậu, giản dị chốn thôn quê như của “một lão nông chi điền”. Mai, cuốc, cần câu là những vật dụng lao động hàng ngày của người nông dân mà nó còn gợi lên nếp sóng thanh bần của nhà nho. “Thơ thẩn” là trạng thái thảnh thơi, vô sự trong lòng không lo sợ, toan tính những lý do cá nhân nào khác. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rời chốn quan trường náo nhiệt để về với cuộc sống thôn quê dân dã. Một cuộc sống an nhàn, tự tại, tự cung, tự cấp không hề phiền hà, quỵ lụy ai. Không như những “ai kia” đang sống một cuộc sống sung túc, đầy đủ mọi thứ nhưng trong lòng đầy những âu lo, toan tính, đầy những danh lợi. Ông trở về sống một cuộc sống thôn dã, bình dân chốn quê nhà. Song, không chỉ thể hiện về vẻ đẹp của cuộc sống nhàn mà hai câu thơ tiếp theo còn nói lên vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“ Nơi vắng vẻ” ở đây muốn nói đến nơi ít người, không có ai cầu cứu, xin thưa. Nơi đó chỉ có ta với ta, một cuộc sống rất bình yên, thanh bình. “Chốn lao xao” là nơi quan trường ngoài kia, đông vui và náo nhiệt nhưng đầy những ai đang xin, thưa, cầu cứu, một cuộc sống khá bận rộn. Ông tự nhận mình là kẻ dại, rời chốn quan trường kia để về với cuộc sống thôn quê, dân dã. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống một cuộc sống như những người thuần nông, làm gì ăn nấy, tự cung, tự cấp. Cuộc sống nơi đây không giàu sang, phú quý, sung sướng nhưng nó lại là một cuộc sống lặng lẽ, không ồn áo với những bữa cơm bình dị và những vật dụng thân quen. “Người khôn” kia là những vị vua đang sống một cuộc sống có kẻ hầu người hạ, quyền quý mà cao sang. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nó còn là một cuộc sống đầy phiền hà, đầy toan tính. Nơi đây con người phải luồn cúi, bon chen, phải ẩn nấp, quỵ lụy lẫn nhau về công danh, lợi lộc. Chính vì thế mà cụ Trạng đã chọn cách về sống nơi thôn quê để di dưỡng nhân cách, tâm hồn thanh cao của mình.
Qua bốn câu thơ đầu của bài thơ “Nhàn” chúng ta có thể thấu và thấy được vẻ đẹp của cuộc sống và tâm hồn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là một cuộc sống tự do, tự tại, không phải luồn cúi, bon chen một ai.